Vi khuẩn Aeromonas veronii – Tác nhân gây bệnh mới ở cá nheo Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ năm 2017, cá nheo Mỹ nuôi tại miền Bắc thường xuyên xảy ra dịch bệnh gây chết hàng loạt, nhiều trang trại tỷ lệ chết rất cao lên đến 40 – 100% cá nuôi, ở cả các mô hình nuôi lồng và nuôi ao đất, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi nói chung và ngành hàng cá da trơn ở miền Bắc nói riêng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn Aeromonas veronii là một trong những tác nhân nguy hiểm cho đối tượng nuôi này.

Đây là vi khuẩn gram âm, hình que. Khi bị bệnh cá thường có hiện tượng xuất huyết đặc biệt là gốc vây, xương nắp mang, hậu môn. Các cơ quan nội tạng như gan, ruột, thận, lách có hiện tượng xuất huyết, tụ máu và hoại tử. Những biểu hiện xuất huyết này khá tương đồng với bệnh xuất huyết do một số vi khuẩn khác như Aeromonas hydrophila, gây nên hiện tượng chẩn đoán nhầm tác nhân gây bệnh. Có thể kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau để chẩn đoán bệnh như phân lập tác nhân gây bệnh, kiểm tra đặc điểm sinh hóa, giải trình tự đoạn gen 16S-rRNA và dùng phương pháp PCR để giám định. Trong đó, phương pháp PCR có thể cho kết quả nhanh và chính xác.

 Hình 1. Các triệu chứng của cá nheo Mỹ bị bệnh do Aeromonas veronii gây ra

Để phát hiện Aeromonas veronii có thể dùng kỹ thuật duplex PCR để giám định, 2 cặp mồi được sử dụng là cặp mồi đặc hiệu gen 16S-rRNA của Aeromonas  và cặp mồi đặc hiệu A. veronii (rpoB) của Aeromonas veronii. Phương pháp này ngoài chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh là A. veronii còn cho phép phân biệt với vi khuẩn A. hydrophila.

 

Phòng trị bệnh

Để phòng bệnh do vi khuẩn Aeromonas veronii người nuôi áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tránh thả quá dày, kết hợp định kỳ khử trùng nước ao, nếu nuôi lồng định kỳ vệ sinh lồng và treo TCCA chậm tan để diệt mầm bệnh xung quanh lồng, kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Bổ sung Vitamin C, dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi. Cần để ý quan sát những biểu hiện bất thường của cá để phát hiện sớm bệnh.

Hình 2. Nuôi cấy vi khuẩn và kiểm tra hình thái vi khuẩn

Khi phát hiện cá bị bệnh cần tiến hành vớt cá chết ngay, khử trùng tiêu độc nguồn cá này để tránh lây lan. Cần tiến hành khử trùng nước ao nuôi, lồng nuôi, cho cá ăn kháng sinh Florphenicol (15 mg/kg cá), trong 5 – 7 ngày. Sau khi điều trị kháng sinh 2 ngày bổ sung chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa của cá và ao nuôi. Ngoài ra, cần lưu ý vi khuẩn này có thể gây bệnh cho các loài cá khác do vậy cần kiểm soát quá trình lấy nước vào, ra ao và kiểm soát tránh lây lan mầm bệnh sang các ao khác và các vùng nuôi xung quanh.

TS Trương Đình Hoài – Phó Trưởng khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!