T2, 06/07/2020 09:47

Vì ngôi nhà chung Hội nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Phát huy những thành quả đạt được năm 2010, tạo đà thắng lợi cho nhiệm vụ năm 2011, ngày 7/1/2011, Ban chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam đã tiến hành Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011. Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp trên tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều ý kiến đều cho rằng Hội cần có sự thống nhất trong tên gọi cũng như xây dựng các tiêu chuẩn.

 

Ông Lê Viết Rong – Chủ tịch Hội Nghề cá Thanh Hóa

 

Tỉnh hội có mạnh thì Hội Trung ương mới mạnh

Hội Nghề cá Trung ương cần tạo điều kiện để Hội Nghề cá các tỉnh thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội vào các dự án chuyên ngành và tham gia một số chuyên đề phù hợp với khả năng thực tế của địa phương, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch thường xuyên mở các lớp đào tạo, huấn luyện chuyên đề về hoạt động công tác hội, các cấp, đi vào chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ trẻ. Trung ương hội cần tư vấn, phân bổ các đề tài, các mô hình, tập huấn khoa học kỹ thuật công nghệ để các Hội cơ sở có việc làm và tạo dựng uy tín ở các địa phương. Các tỉnh hội mạnh thì Hội Trung ương cũng sẽ mạnh. Có vậy Chính phủ, UBND các tỉnh mới hỗ trợ kinh phí, giao việc và giúp đỡ nhiều hơn.

 

 

Ông Liêu Cẩm Hiền – Chủ tịch Hội Nghề cá Vĩnh Long

 

Cần một hệ thống tiêu chuẩn chung nhất

Trung ương Hội cần quan tâm nhiều đến các hiệp hội mới thành lập. Hỗ trợ về mọi mặt hoạt động và đẩy mạnh việc xây dựng củng cố hội vững mạnh thông qua các chương trình, dự án phát triển như: Chương trình Khuyến ngư, Đề án tiêu thụ sản xuất cá tra, chương trình phát triển đến năm 2010… Đặc biệt, phải hướng dẫn và tổ chức thực hiện một hệ thống tiêu chuẩn chung nhất phù hợp với quốc tế nhằm tránh các sự cố phát sinh trong quá trình sản xuất và chế biến xuất khẩu và tiêu thụ thủy sản.


 

Ông Lê Văn Kháng – Chủ tịch Hội Nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu

 

Hội trẻ nhưng “tâm” lớn

Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh có trữ lượng hải sản khá dồi dào, và là một trong những vùng thủy hải sản trọng điểm của cả nước. Trước đây, tình trạng đánh bắt, nuôi trồng, chế biến… của nhân dân vẫn mang tính tự phát và thường xuyên diễn ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Đứng trước thực tế này, tháng 10/2010, Hội Nghề cá tỉnh đã ra đời, so với cả nước thì đây là một đơn vị non trẻ nhất. Mục tiêu ra đời của Hội Nghề cá tỉnh là: tăng cường công tác xây dựng, phát triển hội, phấn đấu thành lập từ 3-5 chi hội với 100 hội viên, tập trung vào các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hội, phổ biến các chính sách liên quan đến hoạt động thủy sản, phổ biến thông tin khoa học công nghệ, kinh nghiệm sản xuất nghề cá tiên tiến cho ngư dân.

 

 

Ông Tạ Minh Phú – Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bạc Liêu

 

Có thể đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam

Biển Bạc Liêu có hơn 660 loại thủy sản, trong đó nhiều loại có trữ lượng lớn, cho giá trị kinh tế cao như: tôm, cua biển, cá thu, cá chim, cá lạt… Với những tiềm năng sẵn có, để khẳng định thế mạnh, Bạc Liêu đã quy hoạch lại vùng sản xuất ven biển để khai thác có hiệu quả, hướng đến sản xuất hàng hoá lớn, chất lượng cao. Hiện nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh là 15.000ha. Năm 2010, Hội Nghề cá Bạc Liêu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Hiện tại, để đoàn kết hơn nữa, tạo sức mạnh cho toàn ngành thủy sản nói chung và thủy sản của Bạc Liêu nói riêng, Trung ương Hội nên đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam. Có được tên mới, các thành phần thủy sản khác như tôm, nghêu…cùng tham gia với hội. Sức mạnh của ngành thủy sản nói chung chắc chắn được nâng thêm một tầm cao mới.

 

 

Bà Trần Thị Thu Nga – Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre

 

Nên có quy định về chất lượng hợp chuẩn quốc tế

 

Trong cơ chế thị trường, thành phần “thấp cổ bé họng” nhất là những người nông dân. Vai trò của hội là đoàn kết họ lại để tạo thành lực lượng có thể cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trong xã hội, nhất là ngành thủy sản. Đây là một ngành tham gia vào thị trường xuất khẩu, nên cần hướng dẫn họ làm thế nào phát triển bền vững về môi trường cũng như chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển giao cho họ kỹ thuật, các thông tin về thị trường. Tổ chức các hội để họ có thể một thương hiệu tập thể, khẳng định uy tín và sức mạnh của sản phẩm. HIện nay việc các quy chuẩn của ta chưa đáp ứng được, hoặc đang còn thiếu khiến cho sản phẩm chưa đủ mạnh để cạnh tranh. Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ mở ra cơ chế mới cho việc hình thành và tổ chức hội, tuy nhiên cần những văn bản dưới luật, các thông tư để các cấp có thể phân trách, phân quyền thông quá đó hoạt động như thế nào. Cần một tiêu chuẩn chung cho cá tra và basa tương đương với tiêu chuẩn quốc tế để người nông dân có thể tham gia hội nhập toàn cầu.  

 

     

Tham quan, nhân rộng mô hình là một trong những hoạt động

chính của Hội Nghề cá. (Trong ảnh, Tổng thư ký Hội Nghề cá

Việt Nam Trần Cao Mưu – thứ 2 từ trái sang, thăm Công ty

TNHH Thủy sản Hưng Biển, Quảng Bình)   Ảnh: Huy Hùng

       Duy Cường – Nguyên Hương (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!