Vì sao cá tra khó làm VietGAP?

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tra ngày càng khó khăn cả trong nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Thị trường khó tính, giá giảm khiến nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL lao đao. VietGAP được coi là một giải pháp nhằm vực dậy nghề này, tuy nhiên, vẫn quá gian nan để thực hiện.

Khó từ giá

Giá cả lên xuống thất thường cùng với thị trường tiêu thụ đặt ra những yêu cầu ngày càng cao là những khó khăn mà nghề nuôi cá tra thường phải đối mặt. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi, tăng 21.000 – 24.000 đồng/kg nhưng không nhiều người dân được hưởng lợi bởi số lượng hộ và diện tích, ao nuôi chưa được cải thiện. Trong số 25 thành viên của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hưng Điền, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp chỉ có 10 hộ bán được giá cao, có lời. Có đến 10 hộ trong HTX không có cá bán vì chưa đủ trọng lượng. Số hộ còn lại đã treo ao vì hết vốn. “Giá cá tăng nên các hộ có cá bán lời 1.000 – 2.000 đồng/kg, trả tiền vay ngân hàng. Nhưng đáng tiếc là còn nhiều hộ chưa có cá kịp bán”, ông Lê Văn Kiềm, Giám đốc HTX tiếc nuối.

HTX Thủy sản Đại Thắng ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy cũng hết cá để bán. Trước đó, vào thời điểm giá cá chưa tăng, trong HTX đã có hộ bán cá nhưng không thu lời được đồng nào.

 

Nuôi cá tra theo quy trình VietGAP còn gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Để giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều HTX thủy sản đã hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm qua, HTX Thủy sản Đại Thắng có 13/18 hộ thành viên sản xuất cá theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm bán ra dễ dàng hơn so với nuôi thông thường. Theo ông Nguyễn Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, năm nay, HTX sẽ vận động số thành viên còn lại nuôi cá tra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và cố gắng có 100% thành viên được công nhận sản xuất cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Cần hỗ trợ

Việc sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Lê Văn Kiềm, Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Điền cho biết: “Việc áp dụng VietGAP đòi hỏi nhiều kinh phí, kỹ thuật, ghi chép đầy đủ, rất tốn công sức. Nhưng hiện nay, giá cá VietGAP chưa cao hơn so với bình thường. Chi phí cho 1 lần công nhận khoảng gần 15 triệu đồng, với điều kiện của HTX hiện nay còn khó khăn, nhiều hộ thua lỗ chưa thể phục hồi thì việc áp dụng mô hình sản xuất VietGAP sẽ rất gian nan.

Tình hình chung, năm 2015, thị trường xuất khẩu cá tra chưa hết khó khăn. Chính vì vậy, nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP là rất cần thiết. Và việc áp dụng VietGAP sẽ tạo nền tảng đạt các tiêu chuẩn, giúp cá tra hướng đến thị trường khó tính trên quốc tế. Người nuôi cá tra rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của ngành chức năng các địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy cho biết: Địa phương đã vận động những hộ nuôi cá tra trong vùng quy hoạch thả nuôi cá tra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2015, thị xã sẽ hỗ trợ HTX Thủy sản Đại Thắng có 100% hộ sản xuất theo chuẩn VietGAP để cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng sự kén chọn khó tính, ngày càng vững vàng trước biến động thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) thì nông dân phải liên kết lại trong tổ hợp tác hoặc HTX để có diện tích lớn thực hiện tiêu chuẩn VietGAP. “Tuy nhiên, phải có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân và bảo đảm người nuôi có lời. Còn nuôi theo tiêu chuẩn nhưng giá bán bằng cá nuôi thì không ai làm VietGAP”, ông Kịch khuyến nghị.

>> Theo Nghị định 36, đến cuối năm 2015, các vùng nuôi phải đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, nhiều nông dân phản ánh đây là một vấn đề rất khó.

Đỗ Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!