(TSVN) – Mặc dù là một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động khai thác thủy sản, đồng thời là vấn đề nổi cộm trong khuyến nghị về IUU của EC, thế nhưng đến nay, hệ thống cảng cá, bến cá của nước ta vẫn chưa được như mong đợi. Tại các địa phương, mặc dù chủ trương đã có, thế nhưng việc thay đổi vẫn rất chậm.
Hiện nay tình trạng ô nhiễm, xuống cấp ở các cảng cá tại tỉnh Nghệ An khá phổ biến và rất đáng báo động; điển hình là tại cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) và cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu). Bởi, quanh khu vực cảng cá, trên mặt nước phủ đầy các loại rác thải. Theo bà con ngư dân thì số rác thải từ trên bờ trôi xuống và từ các tàu cá xả ra, bao gồm cả túi nilon, lon bia, bao bì các loại… Cứ như thế, từ ít góp thành nhiều, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, rác được tích tụ lại thành hàng chục, hàng trăm tấn trôi dạt khắp nơi, vây quanh cảng cá. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cộng đồng dân cư ở địa phương. Và nghiêm trọng hơn, đó là việc hạ tầng cơ sở vật chất của một số cảng cá chưa đảm bảo, gây khó khăn trong việc neo đậu tàu thuyền và bốc dỡ hải sản. Tại cảng cá Lạch Quèn, khu vực cầu cảng và cảng cá không có mái tôn che, ảnh hưởng đến hoạt động của ngư dân và thương lái trong việc thu mua, sơ chế hải sản. Cùng đó, nhiều cửa lạch đã bị đất, cát bồi lắng làm cản trở dòng chảy, tàu thuyền ra vào khó khăn, nhất là các tàu thuyền lớn.
Cảng cá Đề Gi, Bình Định xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NQ
Tại Bình Định, cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) mặc dù là cảng cá loại II; thế nhưng, do xây dựng đã lâu thế nên một số hạng mục của cảng đã hư hỏng nặng. Cụ thể, trụ cầu hỏng, cong vênh, mặt dưới sàn cầu bong tróc, không đảm bảo an toàn cho hoạt động của cảng cá. Mái tôn nhà phân loại hải sản, mái che cầu cảng bị gió bão thổi bay vẫn chưa khắc phục…
Hiện nay cả nước có khoảng trên 91.700 tàu cá, theo lộ trình đến năm 2030, số lượng tàu cá sẽ giảm khoảng 8.000 chiếc. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển, tàu cá sẽ được đóng mới hiện đại hơn, trang bị thiết bị đầy đủ hơn, vậy nên đòi hỏi trong khâu hậu cần cũng sẽ cao hơn.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định chia sẻ, để cảng cá Đề Gi hoạt động an toàn, đáp ứng yêu cầu cảng cá loại II và nhu cầu di dời tàu thuyền tại cảng Quy Nhơn ra cảng Đề Gi, việc cải tạo, sửa chữa cảng Đề Gi là rất cần thiết. Vì vậy, Sở đã có tờ trình xin chủ trương đề xuất đầu tư, cải tạo, sửa chữa cảng cá Đề Gi gửi UBND tỉnh xem xét, với tổng số vốn khoảng 4,5 tỷ đồng và sẽ tiến hành trong năm 2023.
Theo một chuyên gia lĩnh vực thủy sản, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giúp nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho tàu cá vào tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện do thiên tai gây ra.
Không những vậy, theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, để nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của EC, gỡ “thẻ vàng”, tỉnh xác định phải tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão và tổ chức quản lý cảng cá theo đúng Luật Thủy sản.
Hơn thế nữa, theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, hệ thống cảng cá, bến cá xuống cấp là một thực trạng đang làm giảm tiến độ đáp ứng các quy định tháo gỡ “thẻ vàng” IUU và cả mục tiêu phát triển bền vững nghề cá Việt Nam. Đáng chú ý là quy định chống khai thác IUU không còn là yêu cầu riêng của EU mà còn có những thị trường lớn khác, chẳng hạn như Mỹ, Nhật Bản.
Đồng thời, việc các cảng cá được đầu tư đồng bộ sẽ giúp cho địa phương kiểm soát tốt thông tin về thời gian xuất nhập cảng, sản lượng hải sản và hành trình của các tàu cá, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, vốn còn nhiều khó khăn và bất cập như hiện nay.
Phan Thảo