(Thủy sản Việt Nam) – Những ngày gần đây, “vụ Đoàn Văn Vươn” đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, Hội Nghề cá Việt Nam đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đã có ý kiến thẳng thắn.
Thưa ông, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những động thái “phản ứng nhanh” về vụ việc này?
Vụ cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng, TP Hải Phòng xảy ra đã hơn 1 tháng nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận trong cả nước có nhiều ý kiến về vụ việc này. Nếu không nhanh chóng giải quyết hợp lý, hợp tình, thì hậu quả không chỉ dừng ở việc gây thiệt hại cụ thể cho một hộ gia đình đã bỏ nhiều công sức, tiền của khai hoang lấn biển phát triển nuôi thủy sản có hiệu quả, mà nghiêm trọng hơn là làm giảm lòng tin đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích nông dân, ngư dân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ở nhiều vùng, miền trong nước. Do đó, Trung ương Hội kiến nghị các cơ quan Trung ương, TP Hải Phòng tổ chức kiểm tra đánh giá, kết luận đúng sai và xử lý một cách khách quan, công khai, minh bạch đối với vụ việc nghiêm trọng này.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nói chuyện với bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn)
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã kịp thời lên tiếng nói trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi kiến nghị lên UBND TP Hải Phòng, lên các Bộ, cơ quan Trung ương. Bên cạnh đó, ngày 8/2, Trung ương Hội đã tổ chức đoàn đi thực tế đến tận vùng đầm nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn ở cống Rộc, xã Vinh Quang, đến địa điểm xảy ra vụ cưỡng chế đập phá tài sản của gia đình ông Vươn, trực tiếp nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân, của hội viên và cán bộ Liên chi Hội Nuôi trồng Thủy sản huyện Tiên Lãng, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, cho nông, ngư dân và có tiếng nói đúng thực tế, khách quan, góp phần ổn định tình hình xã hội do xảy ra vụ việc nghiêm trọng này.
Chưa nói đến sai phạm của gia đình ông Vươn đến đâu, nhưng những cách hành xử của chính quyền địa phương trong thời gian vừa qua gây rất nhiều phản ứng trong dư luận. Đánh giá của ông về vụ việc này như thế nào?
Sai phạm của ông Vươn về hành vi manh động chống người thi hành công vụ cần được xử lý. Còn cách hành xử của chính quyền địa phương ở huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản không đúng pháp luật, không sát thực tế, không thấu tình đạt lý đối với dân.
Về lý, theo Luật Đất đai quy định: Giao đất ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản…; khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng; khi Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại… Như vậy, địa phương cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản là không thật đúng về lý. Vấn đề này cần phải kiểm tra kết luận chính xác. Còn việc cưỡng chế thu hồi, đập phá tài sản của gia đình ông Vươn, nhất là vào thời điểm người dân đang chuẩn bị đón tết cổ truyền, thì cần phải điều tra ngay và nghiêm trị những cá nhân và tổ chức làm trái với pháp luật và với lòng dân.
Thực tế, gia đình ông Vươn đã bỏ nhiều công sức đầu tư và đạt kết quả rất đáng khuyến khích. Về hiệu quả kinh tế làm ăn có lãi, về xã hội có công tạo việc làm, giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong vùng học tập làm theo và góp phần đáng kể trồng rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là mô hình có hiệu quả và bền vững cần tổng kết để nhân rộng. Tôi đã nhiều lần đi thực tế đến các vùng cửa sông , bãi triều, rừng ngập mặn, vùng hoang hóa ven biển, với cương vị Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để chỉ đạo xây dựng, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững, trong đó có mô hình nuôi trồng thủy sản trong hệ sinh thái VAC+R ( Vườn – Ao – Chuồng + Rừng), nên càng thấy rõ giá trị thực tiễn của việc làm trên.
Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau khi cưỡng chế
Tôi cần phải nhấn mạnh, ban đầu khai hoang lấn biển gặp muôn vàn khó khăn, không ai dám đến vùng hoang hóa xa xôi hẻo lánh, đầu sóng ngọn gió để đầu tư tiền của, công sức, cả mồ hôi nước mắt nuôi trồng thủy sản. Vậy nên, khi hết hạn hoặc do nhu cầu của Nhà nước thu hồi đất thì không thể thi hành xử cưỡng chế đối với những người có công đầu.
Nói tóm lại, cách hành xử của chính quyền địa phương không đúng pháp luật, không sát thực tế, không thấu tình đạt lý, không thuyết phục được lòng dân. Đồng thời, phải xử lý nghiêm minh không phải chỉ riêng với hành vi manh động của ông Vươn, mà còn đối với những cán bộ sai phạm, nhất là với chứng cớ tiêu cực, tham nhũng trong vụ việc này.
Để hạn chế những sự việc tương tự có thể sẽ xảy ra đối với hội viên, thời gian tới Hội Nghề cá Việt Nam cần phải làm những gì, thưa ông?
Trong vụ việc này, Hội đã tích cực đóng góp và có tiếng nói kịp thời đối với quá trình giải quyết xử lý. Tạp chí Thủy sản Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hội Nghề cá Việt Nam, bám sát diễn biến tình hình, chuyển tải thông tin đa chiều một cách kịp thời và chính xác, khách quan về toàn bộ sự việc.
Trung ương Hội, Thành hội Hải Phòng và huyện Tiên Lãng tham gia tìm giải pháp khắc phục hậu quả do vụ cưỡng chế gây ra, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của hội viên bị thiệt hại. Đồng thời, kiến nghị lên Nhà nước tiếp tục giao đầm nuôi trồng thủy sản cho gia đình ông Vươn, cho hội viên Hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ và nông, ngư dân trong vùng cống Rộc, xã Vinh Quang để người dân yên tâm đầu tư sản xuất và ổn định lâu dài.
Về lâu dài, Hội tiếp tục tham gia nghiên cứu đề xuất lên Nhà nước về cơ chế chính sách, nhất là vấn đề giao đất nuôi trồng thủy sản cho nông dân, ngư dân. Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất dồi dào và đây là thế rất mạnh của đất nước ta. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách rất cụ thể, phù hợp với thực tiễn và hợp với lòng dân để người dân yên tâm đầu tư nuôi trồng thủy sản ổn định và lâu dài trên vùng đất được giao, sử dụng đạt hiệu quả và bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 11/2/2012 tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã chính thức công bố quyết định tạm đình chỉ về Đảng, đình chỉ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch đối với ông Lê Văn Hiền và ông Nguyễn Văn Khanh. Quyết định này có thời hạn 15 ngày, tính từ ngày 9/2/2012. Bên cạnh đó, phân công cho Phó Chủ tịch Thường trực Đan Đức Hiệp phụ trách Tổ công tác xử lý những vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Hải Phòng cũng đang tiếp tục thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan để xem xét đưa ra quyết định khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Hủy hoại tài sản công dân” tại ngôi nhà của 2 anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.
Thu Hồng