Ghi nhận tại nhiều cảng cá trên cả nước, trên bến dưới thuyền đều tấp nập, hối hả với các hoạt động thu mua, “giải phóng” hàng dưới tàu, tiếp vật tư, nhiên liệu phục vụ những chuyến biển dài bất chấp lệnh cấm biển vô lý của Trung Quốc; bởi với ngư dân biển là nhà, đi biển chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hăng hái vươn khơi
Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có trên 60 tàu cá, 850 ngư dân thường xuyên hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh, An Hải kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, không nao núng, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải cho biết: “Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên ngăn cản, rượt đuổi bắt, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân chúng tôi, hòng làm cho ngư dân chúng tôi nản lòng. Nhưng ngược lại, ngư dân chúng tôi quyết tâm giữ Hoàng Sa và Trường Sa”.
Lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc không hề làm ngư dân nao núng, thậm chí còn thôi thúc họ càng hăng hái vươn khơi bám biển, dù những chuyến biển gần đây đánh bắt hiệu quả không cao. Một ngư dân ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, Hoàng Sa, Trường Sa từ bao đời nay là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân huyện Núi Thành nói riêng. Không ai ngăn cản được ngư dân đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt thủy, hải sản một cách hợp pháp, vì đó không chỉ là ngư trường truyền thống của cha ông để lại mà còn là không gian sinh tồn của ngư dân và con cháu mãi mãi về sau này.
Khai thác đúng quy định
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông đối với ngư dân không có chút ý nghĩa gì, đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng ngư dân Bình Định vẫn kiên tâm bám biển. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo ngư dân đi đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết, để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố trên biển. Nếu có xảy ra xung đột thì ngư dân phải cấp tốc báo về cơ quan chức năng để có hướng xử lý.
Đại diện Cục Kiểm ngư cho biết, lực lượng Kiểm ngư đề nghị ngư dân cần tuân thủ một số nội dung như: Tuyệt đối chấp hành và tuân thủ pháp luật về thủy sản, đặc biệt là các quy định trong công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển (như đăng ký, đăng kiểm, trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị cứu sinh, mua bảo hiểm theo quy định). Hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam; khi đi khai thác cần tổ chức theo tổ, đội sản xuất trên biển. Vận động ngư dân cung cấp thông tin về tình hình tàu cá và lực lượng chấp pháp các nước hoạt động trên ngư trường, đặc biệt các hành động tàu công vụ nước ngoài xua đuổi, đập phá tài sản của ngư dân Việt Nam để lực lượng Kiểm ngư thông tin, báo cáo và tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời đấu tranh bảo vệ quyền lợi của ngư dân.
>> Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Định, thông tin: “Đối với việc Trung Quốc đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt phi lý trên Biển Đông, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền ngư dân bám biển để bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo và đang đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chấp pháp trên biển, lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển để hỗ trợ ngư dân yên tâm hoạt động”. |
Nhóm PV