Mười năm về trước, bà con ngư dân ngại vươn khơi xa nên dọc bờ biển chỉ có thúng nan và thuyền nhỏ. Còn bây giờ, ngư dân đã cùng nhau cải hoán, đầu tư tàu mới với công suất lớn để vươn ra khơi xa khai thác thủy hải sản kết hợp bảo vệ Tổ quốc.
Thuyền là nhà, biển là quê hương
Trung tuần tháng 12, trời yên biển lặng. Tại cảng cá Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tàu thuyền tấp nập ra vào bến. Đưa tay chỉ vào chiếc tàu với công suất 250CV, anh Nguyễn Ngọc Ái, ở xã Phú Hải (Phú Vang) nói: “Trước đây, đi biển bằng thuyền nhỏ công suất 20CV, sức lao động bỏ ra nhiều nhưng không mang lại hiệu quả. Giờ đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, gia đình tui đầu tư đóng mới tàu công suất 250CV. Nhờ chiếc tàu này mà bắt được con cá, con tôm, các loại hải sản xuất khẩu ở tận khơi xa, cuộc sống gia đình không những được khấm khá hơn, mà chúng tôi còn góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc…”. Thắng lợi sau chuyến biển về, anh Trương Viết Tự, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phú Thuận, khoe: “Bên cạnh đánh bắt thủy sản bằng nghề vây rút chì và rê cản, đầu năm 2012, gia đình tui đầu tư kinh phí mua thêm ngư lưới cụ để khai thác thêm nghề cá lạt. Sau mỗi chuyến biển cho thu 15-18 tấn cá lạt, ngừ, thu, nục…; trừ chi phí lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Hai mươi năm gắn bó với biển, gia đình tui xem thuyền là nhà, biển là quê hương”.
Ngư dân nâng công suất tàu khai thác thủy hải sản kết hợp bảo vệ Tổ quốc
Hơn mười năm trước, ngư dân ở các xã ven biển và đầm phá chỉ đánh bắt thủy sản ở tuyến lộng bằng thúng nan, thuyền nhỏ, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi có chủ trương phát triển kinh tế biển, nhiều ngư dân có ý thức hơn trong việc đầu tư vốn sắm tàu thuyền lớn để vươn ra khơi xa. Đầu năm đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cải hoán và mua mới 44 chiếc tàu đánh bắt xa bờ nâng tổng phương tiện tàu thuyền khai thác biển lên 2.100 chiếc; trong đó, 224 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, tăng gấp hai lần so với năm 2009. Ngư dân còn mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc khai thác thủy hải sản bằng hai nghề chính, đó là vây rút chì và rê cản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đầu tư thêm nghề mới
Không dừng lại, bà con ngư dân còn học hỏi các mô hình khai thác thủy hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như rê mực nang, rê tôm, giã tôm, ghẹ chấm, cá lạt…. Nghề khai thác cá lạt là nghề mới được một số bà con ngư dân xã Vinh Thanh (Phú Vang) học hỏi từ một ngư dân ở miền Bắc. Sau khi du nhập nghề mới, hiệu quả kinh tế mang lại cao, tiếng lành đồn xa, giờ đây nghề khai thác cá lạt không những bà con ở xã Vinh Thanh áp dụng mà còn được đông đảo ngư dân trên địa bàn huyện làm theo. Anh Nguyễn Văn Lọ, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phú Hải cho hay: “Sau chuyến biển 20 ngày, sản lượng đánh bắt khoảng 12 tấn cá lạt; doanh thu gần 200 triệu đồng. Từ ngày tham gia nghề khai thác cá lạt, đến nay, hiệu quả mang lại cao, đời sống của cả gia đình được cải thiện và khấm khá hơn. Với kết quả này, gia đình tui tích cực đi biển, tích góp đóng thêm 1 chiếc tàu xa bờ có công suất 250CV cho các con làm ăn có thu nhập, góp phần nhỏ bé của bản thân vào việc bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.
Bà con ngư dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch vụ nghề cá trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thu mua sản phẩm của ngư dân sau mỗi chuyến biển về. Hầu hết, các nguồn cung ứng, như dầu, nước đá và thu mua thủy hải sản đều phụ thuộc vào tư thương nên thường xuyên xảy ra tình trạng khi được mùa thì mất giá, được giá mất mùa. Bà con mong muốn ngành chức năng, các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ thành lập các hợp tác xã làm dịch vụ hậu cần nghề cá trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, nhà nước tạo thuận lợi giúp bà con ngư dân được vay thế chấp 50% giá trị của chiếc tàu. Mỗi chiếc tàu đóng mới có giá khoảng 1 tỷ đồng, trong khi đó nhà nước chỉ cho vay từ 30-50 triệu đồng là số tiền quá nhỏ so với giá trị đóng mới chiếc tàu. Để có đủ vốn đầu tư đóng tàu, ngư dân phải huy động vốn từ nhiều phía, như người thân, vay nóng… Sau chuyến đi biển về, mặc dù hiệu quả cao nhưng phải chia năm sẻ bảy, cuối cùng chủ tàu không có được bao nhiêu.
Anh Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Nhằm tạo thuận lợi cho bà con ngư dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, các ngân hàng cần cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới tàu, sắm ngư cụ với thời gian từ 5 hoặc 10 năm. Nghề cá bấp bênh, năm thất bát, năm được mùa; nếu cho vay khoảng 3 năm mà mất mùa liên tục, ngư dân dễ bỏ nghề”.
>> Trong khi nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở các tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn, thì bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng đầu tư cải hoán khoảng 40 chiếc tàu khai thác thủy hải sản gần bờ sang xa bờ và mua mới 4 chiếc tàu khai thác xa bờ với công suất trên 250CV. Tổng sản lượng khai thác biển đạt khoảng 28 ngàn tấn, doanh thu trên 500 tỷ đồng; tăng 20% so cùng kỳ; tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 ngàn lao động, thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/tháng. |