Theo VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), trong 3 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu cá tra đạt 161.202 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 421.529 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và 12% về giá trị so cùng kỳ 2011. Giá trị xuất khẩu trung bình trong quý đạt 2,61 USD/kg, tăng 6,1% so cùng kỳ 2011. Trong các thị trường xuất khẩu quý I chỉ có thị trường EU không tăng so cùng kỳ 2011, các thị trường khác đều có tỷ lệ tăng.
Tại thị trường Hoa Kỳ, cá tra xuất sang tăng 22,7% về lượng và 40,3% về giá trị so cùng kỳ. Đây là thị trường có mức tăng trưởng lớn thứ hai sau Brazil (149%). Nguyên nhân là do ở thị trường này diện tích nuôi cá tra giảm 14% so năm 2010 nên giá cá tra nội địa tăng. Bên cạnh đó, giá cá tra phile đông lạnh của Việt Nam đã cạnh tranh được với catfish Trung Quốc.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Với thị trường EU, tuy vẫn là thị trường lớn của cá tra Việt Nam trong quý I/2012, tuy nhiên tổng thể đã giảm 20,2% so cùng kỳ 2011. Tây Ban Nha đã vượt qua Đức trở thành thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam ở EU trong quý I/2012.
Xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ quý I/2012 tăng 17,1% về lượng và 21,4% về giá so cùng kỳ 2011; trong đó Brazil tăng 149%, Chile tăng 124,9%, Columbia tăng 54,3%, Mexico tăng 26,4%, Uruguay tăng 19,7%. Cá tra Việt Nam đang trở thành sản phẩm quen thuộc ở các thị trường này. Dù không khắt khe về chất lượng như thị trường Mỹ và EU, song việc tiếp cận một số thị trường Nam Mỹ như Argentina, Peru…chưa thuận lợi do Việt Nam chưa thiết lập được những liên hệ cấp cao cần thiết dọn đường cho kinh doanh hai phía.
Với thị trường châu Á, xuất khẩu cá tra quý I/2012 đạt sản lượng 20.343 tấn, giá trị đạt 45,647 triệu USD, tăng 16,5% về lượng, 23,4% về giá. Tại các thị trường Asean, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan… DN thủy sản trong nước đã bắt đầu quan tâm do có nền kinh tế tăng trưởng và sức tiêu thụ tăng
Theo VASEP năm 2012 vẫn tồn tại nhiều khó khăn ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra.
Ví như thị trường Hoa Kỳ có khối lượng nhập tăng song giá sẽ có hướng giảm. Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) siết chặt kiểm tra hàng lương thực thực phẩm nhập vào qua việc sẽ áp dụng Luật sửa đổi Luật FDA, trong đó có sản phẩm cá tra. Theo Luật mới, FDA không chỉ kiểm tra nhà xưởng mà sẽ mở rộng kiểm tra cả vùng nuôi. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường tốt nhất trong năm nay, song DN phải đồng lòng trong việc xây dựng hình ảnh chất lượng sản phẩm, không cạnh tranh về giá và chạy theo số lượng như hiện nay.
Tại EU, tình hình nợ công vẫn chưa khắc phục nên thị trường chưa có chuyển biến tích cực. Đồng EUR mất giá so đồng USD sẽ khiến các nhà nhập khẩu EU bị lỗ tỷ giá, vì thế lợi nhuận giảm so với trước nên giá các đơn hàng sẽ có xu hướng giảm. Hàng rào kỹ thuật có thể sẽ ngày càng tăng tại EU. Dự báo thị trường EU sẽ khởi sắc trở lại từ tháng 6 vào dịp hè và các dịp lễ khác trong năm.
Để tăng đơn hàng tại thị trường EU, cuối tháng 4, VASEP và một đoàn gần 40 DN thủy sản Việt Nam sang tham gia Hội chợ Thủy sản châu Âu 2012 tại Brussells (Vương quốc Bỉ). Đây là hội chợ thủy sản lớn nhất châu Âu, được tổ chức hàng năm, quy tụ khoảng 1.600 nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản từ hơn 70 nước trên thế giới. Theo các DN, đây là dịp để các nhà sản xuất và kinh doanh thủy sản trong nước tìm kiếm đối tác, ký hợp đồng sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, việc tìm khách hàng mới sẽ ngày càng khó, vì thế DN nên cố giữ chân các khách hàng truyền thống và tìm cách mở rộng sang hai khối thị trường là Nam Mỹ và châu Á. Bên cạnh mặt hàng phile đông lạnh, nên nghiên cứu sản phẩm khác để tìm chỗ đứng trong phân khúc cao cấp. Dự báo năm 2012 xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng khoảng 20%, EU tăng 30%, Nam Mỹ tăng 20%, châu Á tăng 17%, Đông Âu tăng 5%, Trung Đông tăng 3,5%, các thị trường khác tăng khoảng 4,5%./.
Phùng Long
Theo Báo Kinh Tế Việt Nam