(Thủy sản Việt Nam) – Ngay sau khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) lên tiếng phản đối Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) về việc đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 – 2011, Tiến sĩ Flavio Corsin (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã tỏ ý cực lực phản đối hành động này của WWF, qua cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Thủ
Trước khi đi sâu vào vấn đề, xin ông cho biết vai trò của ông ở Việt Nam?
Đó là một câu chuyện dài, năm 1997, tôi đến Việt Nam và làm việc với một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Đầu năm nay, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) thành lập Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và bổ nhiệm tôi làm Giám đốc của ICAFIS, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ và nhiều tổ chức phi Chính phủ như WWF (WWF là nơi mà tôi đã từng làm việc với vai trò cố vấn kỹ thuật) để thúc đẩy tính bền vững của ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Ông có thể chỉ ra một số cơ sở về phương pháp mà WWF áp dụng để đánh giá cá tra Việt Nam?
WWF đã sử dụng một phương pháp trong thời gian dài để đánh giá tính bền vững của ngành khai thác thủy sản. Thông qua phương pháp này, nhiều sản phẩm khai thác thủy sản được xếp vào danh sách xanh, vàng và đỏ, một hệ thống giống như đèn tín hiệu giao thông. Cơ chế cho điểm này được người mua và người sử dụng các loại sản phẩm thủy sản đưa ra sự lựa chọn tiêu dùng. Gần đây, WWF đã bắt đầu sử dụng phương pháp này cho các sản phẩm nuôi trồng thủy sản. So với trước đây, các phương pháp đánh giá này có hơi khác một chút ít tùy thuộc vào từng văn phòng WWF sử dụng. Phương pháp luận này không phải chỉ WWF xây dựng mà được kết hợp với Hội Bảo tồn Biển (MCS) và Quỹ Biển Bắc (NSF). Chính việc sử dụng phương pháp luận chung này đã chấm điểm cá tra vào “danh sách đỏ”.
Theo ông, phương pháp này có tốt không?
Phương pháp này đơn giản chỉ là một danh sách các câu hỏi. Tuy nhiên, nó có một số vấn đề. Phương pháp này cố gắng để đo độ “bền vững” khi tập trung vào vấn đề môi trường. Vấn đề đầu tiên của phương pháp này chính là việc đánh giá các vấn đề môi trường sẽ dựa vào những câu hỏi. Nhưng không phải bao giờ những câu hỏi được lựa chọn để hỏi đều là những câu hỏi tốt. Thứ hai là, một tổ chức không thể “phán xét” một khu vực chỉ dựa trên một khía cạnh. Cần phải xem xét vấn đề trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả các vấn đề về xã hội. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao chúng tôi tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận thông qua chương trình Đối thoại Nuôi trồng thủy sản và Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Tôi tin rằng, bất kỳ sự nỗ lực nào hướng đến sự bền vững cần được thực hiện bằng cách tiếp cận đa bên, sự tiếp cận nên liên quan đến những người nông dân, các nhà chế biến và Chính phủ… Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể xác định các vấn đề đúng đắn và hợp lý nhất.
Ai là người trả lời các câu hỏi trong phương pháp này?
Những người khác nhau sẽ có cách đánh giá khác nhau. Việc đánh giá cho cá tra đã được thực hiện bởi một công ty tư vấn là Blueyou. Đánh giá sau đó đã được gửi cho WWF, MCS và NSF, những tổ chức này sau đó đã xử lý thông tin, chấm điểm và công bố kết quả.
Mối quan hệ giữa ASC và danh sách này là gì, thưa ông?
WWF đứng sau sự phát triển ASC, ASC là cách tiếp cận tốt để hướng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững. ICAFIS đã tham gia rất nhiều trong việc thúc đẩy để xây dựng chứng nhận ASC. Vài tuần trước, chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) và một số hộ nuôi cá tra để thảo luận về việc làm thế nào để giúp họ đạt được chứng nhận ASC. Phương pháp “đèn giao thông” thừa nhận rằng sản phẩm ASC là rất tốt, tuy nhiên, như tôi đã nói, để tạo ra kết quả đáng tin cậy thì bất kỳ sự đánh giá nào cũng nên được thực hiện trên cơ sơ từ sự tiếp cận của đa bên.
Nếu cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ” thì điều gì sẽ xảy ra cho các doanh nghiệp và người nuôi cá tra ở Việt Nam?
Phương pháp là một cơ chế tự nguyện, điều này đồng nghĩa với việc người nông dân và các nhà chế biến cá tra có thể xuất khẩu cá tra như trước đây. Ví dụ, cá tra được xuất khẩu vào thị trường EU là hợp pháp và an toàn vì nó được sản xuất phù hợp với pháp luật Việt Nam và tuân theo các quy định của EU. Tuy nhiên, những nhà thu mua thủy hải sản và những người tiêu dùng có thể quyết định không mua cá tra khi loài cá này bị xếp vào danh sách đỏ vì theo WWF, cá tra của Việt Nam thiếu tính “bền vững” do quan điểm về môi trường nuôi. WWF có tác động lớn đến một vài nước ở châu Âu, do đó, điều này có thể dẫn đến việc giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra trên thị trường này. Điều này không tốt cho ngành cá tra Việt Nam. Hiện nay, một số nhà thu mua hải sản đang kiên quyết bắt buộc các nhà cung cấp phải có chứng nhận ASC, khi cá tra đạt được ASC thì nó sẽ được đưa vào “danh sách xanh”. Mặc dù ICAFIS hỗ trợ ASC nhưng chúng tôi không ủng hộ chính sách “bắt buộc” người nuôi cá tra để đạt được chứng nhận mà không đưa ra những thông báo trước nhằm giúp họ có thời gian cải thiện công tác sản xuất.
Vậy Việt Nam nên làm gì để ngăn chặn hành động này của WWF?
Việt Nam có thể đưa ra một số hành động để ngăn chặn. ICAFIS đã thảo luận rất tỉ mỉ với WWF để có được đánh giá lại. Thực tế, chúng tôi không muốn phương pháp này được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản, bởi vì nuôi trồng thủy sản khác với khai thác thủy sản. Có thể bạn có hai trang trại gần nhau, một trong tình trạng rất tốt và một trong tình trạng rất xấu, nhưng với phương pháp này thì cả hai sẽ có kết quả đánh giá như nhau. Nếu loại trừ phương pháp này thì không thể, tuy nhiên, phương pháp này nên được sửa đổi lại với sự đóng góp của đa bên liên quan. Chính phủ cũng có thể xây dựng một quy định nhằm bất hợp pháp bất kỳ những tuyên bố thiếu tính bền vững nào, những tuyên bố chưa được phê chuẩn, chưa được pháp luật thừa nhận, thiếu phương pháp luận. Điều này đã được EU thực hiện, họ đã xây dựng các tiêu chuẩn cho sản xuất hữu cơ để bảo vệ người tiêu dùng “phủ nhận” đó là một sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, nông dân nên yêu cầu các nhà chế biến mà họ cung cấp cá liệu rằng các nhà máy chế biến có mua cá của họ khi không có chứng nhận và nếu có ASC, đạt được mức giá cao nhờ việc đạt ASC thì nông dân nên tính toán xem có thuận lợi hay không trong việc xây dựng chứng nhận ASC.
Trân trọng cảm ơn ông!
– Ngày 1/12/2010: Theo VASEP, WWF đưa tên cá tra vào “danh sách đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại một số quốc gia châu Âu với lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra “có vấn đề”.
– Chiều 7/12/2010: VASEP mở cuộc họp báo phản đối hành động này của WWF.
– Ngày 8/12/2010: Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) gặp gỡ với WWF Việt Nam.
– Ngày 8/12/2010: Tổng cục Thủy sản tổ chức họp báo về vụ việc này. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, việc đưa cá tra vào “danh sách đỏ” là hoàn toàn không thuyết phục và yêu cầu WWF phải dỡ bỏ thông tin không đúng sự thật về cá tra Việt Nam.
– 9/12/2010: Tổng cục Thủy sản tổ chức họp báo để công bố nhận định và ý kiến nhận xét về Bản đánh giá cá tra Việt Nam. Những đánh giá trong bản báo cáo có nhiều thông tin sai lệch và khá máy móc.
– Ngày 14/12/2010: Đại diện WWF Quốc tế sang Việt Nam đối thoại trực tiếp với Tổng cục Thủy sản và VASEP về bản báo cáo đánh giá này.
HồngThắm
(Thực hiện)