T2, 06/07/2020 09:52

Xã Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi): Lại “nóng” khai thác đá san hô

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau một thời gian tạm im ắng, từ cuối tháng 4 đến nay, tình trạng khai thác, vận chuyển và tàng trữ đá san hô ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại tiếp diễn ồ ạt, làm cạn kiệt dần môi trường sinh thái biển, gây mất đoàn kết xóm, thôn và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân.

Lợi thì có…

Lần theo tìm hiểu những người khai thác đá san hô, chúng tôi được biết, mỗi ngày, vùng ven biển thuộc thôn Thanh Thủy có hàng trăm lượt người trong thôn lợi dụng việc khai thác rong mơ, đã đổ xô ra biển (cách bờ khoảng 200m) khai thác đá san hô.

Để khai thác, người ta dùng bình hơi lặn xuống biển khoảng 10m, rồi dùng búa, mũi dùi, xà beng đục san hô đưa lên bè gỗ tự chế (Loại bè này là những đoạn cây dương liễu và tre kết lại, hai bên cột bao tải đựng phích để làm phao). Khi thủy triều dâng lên, người ta bắt đầu vận chuyển vào bờ. Thông thường, một ngày lao động nặng nhọc như vậy, một người có thu nhập từ 400.000 đến 600.000 đồng, nhiều gia đình nhờ đó ổn định và nâng cao đời sống. Thấy lợi trước mắt nên họ đã và đang tìm mọi cách, mọi cơ hội để khai thác sao cho đạt số lượng nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Vì thế gần đây, trung bình mỗi ngày ở xã có trên dưới 100 khối đá san hô bị khai thác bán cho thương lái đi tiêu thụ các nơi…

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bình Hải bên đống san hô thu gom tại trụ sở

… nhưng hại lại nhiều

Tình trạng khai thác đá san hô tràn lan, ồ ạt này là nguyên nhân làm cho hệ sinh thái biển bị hủy hoại, các loài thủy sản thiếu nơi sinh sản, phát triển. Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: Hiện nay đời sống của trên 520 hộ dân thôn An Cường lâm vào cảnh khốn khó trong công ăn việc làm. Nghiêm trọng hơn, việc khai thác san hô bừa bãi còn làm bờ biển bị sạt lở. Gần 3 năm qua đã có 17 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, hư hại và 25 ngôi nhà lâm vào cảnh di dời trong mùa lụt bão. Gần đây, triều cường lấn sâu vào thôn vài ba chục mét, cửa lạch Lồi Chài – nơi mà gần 100 thúng và tàu thuyền của ngư dân khai thác thủy sản neo đậu, ra, vào, cũng không còn đảm bảo như trước nữa. Ông Thiện nhận xét: "Qua thực tế khai thác đá san hô có ba tác hại chính. Thứ nhất, ảnh hưởng đến nguồn sinh sản của hải sản. Thứ hai, làm sạt lở ven biển, đặc biệt trong mùa mưa bão. Thứ ba là ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản của ngư dân, dẫn đến đời sống khó khăn".

Anh Nguyễn Xuân Sơn, Đội phó Đội trinh sát Đồn Biên phòng 298 kể lại: Thời gian qua, UBND xã Bình Hải phối hợp với Đồn Công an Khu kinh tế Dung Quất, Bộ đội Biên phòng 288, thành lập Tổ tuần tra kiểm soát, qua đó ngăn chặn và bắt giữ được hàng chục vụ khai thác và vận chuyển đá san hô, xử phạt hơn 100 triệu đồng. Gần đây, xã đã đốt 28 chiếc bè của người dân dùng để khai thác san hô (nâng tổng số từ trước đến nay lên trên 60 chiếc), thế nhưng sau đó thì "mọi chuyện đâu cũng lại vào đó". 

Còn Anh Võ Minh Quân, Trưởng Công an xã thì khẳng định: Nếu không giải quyết tốt tình trạng khai thác đá san hô sẽ sinh ra mâu thuẫn giữa 2 thôn An Cường và Thanh Thủy, làm mất đoàn kết nông thôn. Trong thực tế đã có một vài vụ gây gổ, Công an xã phải can thiệp. Nguyên nhân là người dân thôn An Cường thì muốn giữ lại những rặng san hô nằm dọc theo bờ biển, còn người dân thôn Thanh Thủy thì lại đổ xô đi khai thác…

Biện pháp, chế tài xử lý chưa đủ mạnh

Chỉ tay về đống san hô do Công an xã thu giữ của các hộ khai thác tập trung để trước sân cơ quan, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết thêm: Khai khác đá san hô có từ lâu và nhiều nhất là vài ba năm nay. Sau khi có Nghị định 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực, xã Bình Hải đẩy mạnh vận động tuyên truyền. Mặt khác, mời chủ xe tải ở địa phương ký cam kết không vi phạm, nhờ đó tình trạng khai thác giảm đi rất nhiều, thế nhưng hiện giờ lại rộ lên, bởi một lẽ "tế nhị" là do mức chế tài, xử lý chưa đủ mạnh.  Ông nói: "Khó khăn của xã… là chế tài, xử lý… Theo Nghị định 31 thì phạm vi của xã xử phạt tối đa là 2 triệu đồng… nhưng qui định của Nghị định là từ 5 đến 10 triệu đồng. Như vậy xã chỉ lập thủ tục hành vi vi phạm hành chính rồi chuyển cho cơ quan có thẩm quyền”!

 Có thể nói, khai thác đá san hô ở xã Bình Hải sẽ còn tiếp tục "nóng" trên nhiều khía cạnh, nếu như không có sự chung tay của các cấp, ngành, từ xã đến huyện và các đơn vị chức năng.                

>> Trong điểm b, điểm c, Điều 8, Mục I, Chương II Nghị định 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ghi rõ: Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, san hô hoặc rạn san hô, các thảm thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác, trừ hành vi neo đậu tàu cá trong trường hợp bất khả kháng; Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép san hô.

                                

Lê Ngọc Tuân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!