Nằm bên dòng chảy của sông Son và sông Gianh, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) đang phải đối mặt với hiện tượng sạt lở từng ngày. Hàng chục hộ dân sống trong cảnh lo lắng bởi nguy cơ các hồ tôm sẽ bị xóa sổ, nhiều căn nhà chỉ cách bờ sông còn khoảng vài mét.
Xã Mỹ Trạch có 7 thôn thì đã có đến 4 thôn (thôn 1, thôn 5, thôn 6 và thôn 7) bị sông xâm thực. Tình trạng sạt lở đất ở đây khá nghiêm trọng. Cả xã có 44 hộ nuôi trồng thủy sản trên diện tích 14ha, tiếp giáp bờ sông gần 4 km. Trước đây các hồ nuôi tôm cách bờ sông khoảng 10 – 15m, tuy nhiên những năm trở lại đây hiện tượng sạt lở xảy ra khá mạnh, sông đã lấn đến tận giáp đê của các hồ tôm, hiện nhiều đoạn đê đã bị vỡ nên nguy cơ bị xóa sổ là rất cao. Thôn 1 là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hiện tượng sông “ăn” đất ở đây thấy rất rõ. Ông Hồ Văn Trí, trưởng thôn 1, cho biết: “Cả thôn có 178 hộ dân thì đã có đến 70 hộ vùng xóm Bàu bị ảnh hưởng trực tiếp. Hiện đất sản xuất và đất ở đã nằm quá sát với bờ sông. Trong đợt lụt lịch sử năm 2010 và 2011, nước ở đầu nguồn đổ về với cường độ mạnh càng làm gia tăng mức độ sạt lở, ngập lụt, khiến nhiều hộ dân lao đao vì tôm mất trắng, thiệt hại về nhà cửa, tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Khoảng cách giữa các hồ tôm và bờ sông chỉ còn vài mét
Chị Cao Thị Hồng, người dân ở thôn 1 cũng cho hay: “Nhà tôi có mấy hồ tôm nuôi gần bờ sông, một năm bị mất khoảng 2 – 3 mét đất, bờ đê cứ phải lùi dần thu hẹp lại. Để ngăn chặn, gia đình đã mua đá, vật liệu về đắp kè chống xói nhưng tình hình không khả quan hơn là mấy vì kè đá quá nhỏ, không ngăn được dòng chảy xiết của sông.”
Không riêng gì thôn 1, các thôn 5, 6, 7 cũng bị ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở. Trước đây ở 3 thôn này có cồn ngoài là nơi người dân dùng làm đất sản xuất nông nghiệp và chăn thả bò, tuy nhiên hiện nay cồn đã không còn do sự xâm thực của dòng sông.
Xếp đá chống xói là biện pháp duy nhất chị Cúc có thể làm để giữ căn nhà của mình.
Hiện tượng sạt lở không chỉ gây ảnh hưởng đến nguy cơ xóa sổ hồ nuôi tôm ở xã Mỹ Trạch, mà còn đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân khi dòng nước cứ ngày càng bám sát lấy các ngôi nhà. Theo chân cán bộ xã Mỹ Trạch đến một vài hộ dân, chúng tôi thực sự thấy rùng mình bởi những bức tường nhà chỉ còn cách dòng sông chưa đến 3 mét. Chị Cúc, một trong những hộ dân có nhà bị xâm thực nghiêm trọng, cho biết: “Nhà tôi xây từ năm 1997, đến nay đã bị xâm thực gần 15 mét đất, giờ vách tường chỉ còn cách sông 2 mét, biết là rất nguy hiểm nhưng đành chịu vì giờ không biết chuyển đi đâu trong hoàn cảnh nhà nghèo.”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đoan, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch, cho hay: “Xã Mỹ Trạch là xã bãi ngang rất khó khăn, không có vốn huy động để xây dựng kè nên chính quyền địa phương chỉ còn biết vận động nhân dân chống chọi với xói lở bằng cách như: trồng bạch đàn, tre, dứa, lát đá kè nhỏ ở các hồ nuôi tôm… nhưng hiệu quả không cao bởi đây chỉ là biện pháp tạm thời. Đời sống người dân toàn xã rất vất vả, nền kinh tế chính là nông nghiệp nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ, nuôi tôm thì bấp bênh, gặp phải mưa lụt coi như mất trắng”. Người dân nơi đây mong mỏi được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền cấp trên để có được một bờ kè chống xói lở, đặc biệt khi mùa mưa lụt đang đến rất gần.