Xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang phát triển nghề nuôi hải sâm – một đối tượng nuôi mới, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hiện nguồn con giống đang khan hiếm do ấu trùng hải sâm hao hụt nhiều.
Đối tượng nuôi nhiều triển vọng
Hai năm gần đây, nhiều nông dân xã Vạn Long đã chuyển đổi mô hình từ nuôi tôm truyền thống sang nuôi hải sâm. Ông Lê Đức Sơn, một người nuôi hải sâm tại thôn Hải Triều cho biết: “Nghề nuôi tôm, ốc đang dịch bệnh liên miên, trong khi đó nuôi hải sâm rất hiệu quả như đầu tư ít (không cần cho ăn), lại cải tạo được môi trường nên tôi mạnh dạn đầu tư nuôi hải sâm. Vụ đầu nuôi 3.000 con trên diện tích 3.000m2, tôi lãi được 62 triệu đồng; vụ mới đây tôi thu hơn 60 triệu đồng. Với chi phí thấp, chủ yếu là đầu tư con giống ban đầu (2.000 đồng/con), có thể nói đây là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng”. Theo ông Sơn, giá hải sâm phụ thuộc nhiều vào thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Vụ đầu tiên năm 2011, ông xuất bán hải sâm tươi với giá 60.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện nay giá chỉ còn 40.000 đồng/kg.
Cũng là một trong những người đầu tiên nuôi hải sâm, ông Nguyễn Văn Ẩn (thôn Hải Triều) cho biết, sau khi học hỏi, tìm tòi về phương pháp nuôi hải sâm và được hướng dẫn của cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, ông mạnh dạn đầu tư nuôi hải sâm trên diện tích 2.000m2 là ao trước đây nuôi tôm thương phẩm. Vụ đầu ông Ẩn lãi hơn 30 triệu đồng. Vụ sau ông mở rộng diện tích thêm 3.000m2 nuôi 7.000 con hải sâm, thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Thiếu con giống
Thu hoạch hải sâm tại Vạn Long (Vạn Ninh).
Tuy nhiên, những người nuôi hải sâm hiện vẫn còn những nỗi lo đó là tình trạng “khát” con giống và đầu ra còn bấp bênh. Ông Trần Kỳ Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Long cho biết, hiện con giống hải sâm rất khan hiếm, nhu cầu vùng nuôi của xã tập trung tại 2 thôn Hải Triều và Ninh Thọ với diện tích hơn 10ha, có thể lên tới 30 vạn con nhưng đến nay vẫn chưa có giống cung cấp. Ông Lê Đức Sơn cho biết, đã đặt mua con giống tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản Miền Trung từ trước Tết, nhưng đến nay vẫn chưa được cung cấp con giống. Thiếu giống, người dân quay lại nuôi thả ốc hương, tôm thẻ và tiếp tục đối mặt với tình trạng bệnh dịch trong khi mầm bệnh tại các ao đìa chưa được cải thiện.
Kỹ sư (KS) Vũ Đình Tý – Trung tâm Quốc gia giống hải sản Miền Trung cho biết, đầu năm thời tiết không thuận cho việc sinh sản, phát triển ấu trùng hải sâm nên nguồn giống tạm thời khan hiếm. Tuy nhiên, do lượng giống nhu cầu không lớn, vùng nuôi chỉ tập trung một số xã như: Vạn Long, Vạn Thắng nên nếu việc sinh sản trong năm thuận lợi thì việc cung cấp giống sắp tới không có vấn đề lớn.
Hải sâm là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng do chúng ăn mùn bã hữu cơ, làm sạch nền đáy, cải thiện môi trường ao nuôi, đặc biệt là ao đìa trước đây nuôi trồng thủy sản, có nhiều mầm bệnh ô nhiễm. Đây là hướng ra cho bà con nuôi trồng thủy sản vùng ven biển. Thị trường hải sâm chủ yếu xuất bán cho tư thương, tuy bấp bênh nhưng vẫn được duy trì tốt, giá cả khá phù hợp, hiện hải sâm mổ ruột có giá 120.000 – 140.000 đồng/kg.