T2, 06/07/2020 09:49

Xăng, dầu tăng giá: Nguy cơ ngư dân xa biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Chỉ trong vòng 1 tháng, hai đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp đã tác động mạnh đến đời sống và hoạt động của ngư dân, khiến những chuyến ra khơi của họ vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tàu cá “nằm” bờ

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến nhiều chủ tàu, nhất là chủ tàu đánh bắt xa bờ lo lắng. Bởi trong cơ cấu giá thành của lĩnh vực khai thác, chi phí nhiên liệu chiếm tới 44%, nên giá xăng dầu tăng đã đẩy chi phí mỗi chuyến biển của ngư dân tăng thêm 40% và các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác cũng trở nên đắt đỏ…

Đánh bắt thủy sản là một trong những ngành thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa, góp phần tăng tỷ trọng xuất khẩu những năm qua. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt của ngư dân đang hết sức khó khăn do giá xăng dầu tăng trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm. Đang trong mùa đánh bắt, nhưng tại Hòn Rớ, một trong những cảng cá có lượng tàu thuyền đánh bắt lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa có tới hàng trăm tàu đang neo đậu. Theo Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, hiện nay mỗi ngày chỉ có khoảng 10 lượt tàu thuyền cập cảng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Vì theo như phản ánh của bà con ngư dân, trước kia chi phí cho một chuyến đi biển vào khoảng 100 triệu đồng thì nay lên đến từ 120-130 triệu đồng.

Tại Hà Tĩnh, dù đang chính vụ nhưng hàng nghìn tàu thuyền của bà con ngư dân vẫn nằm bờ. Đời sống của họ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Xăng dầu tăng giá liên tiếp, mỗi lần ra khơi là một lần phải bù lỗ, cuộc sống của ngư dân đang mắc kẹt trong “bão giá” xăng dầu.

Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ Ảnh: Huy Hùng

Ngư dân Lê Hồng Giang ở thôn Hội Thủy (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tính toán, bình quân 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 300 CV, một chuyến đi biển 4 ngày tốn khoảng 600-650 lít dầu, khi giá dầu tăng, chi phí tiền dầu “đội” thêm từ 2-2,3 triệu đồng/tàu/chuyến, đấy là chưa kể chi phí tăng thêm của nước đá, công bạn thuyền trong khi sản lượng đánh bắt ngày càng sụt giảm. Nếu ra khơi mà các chủ tàu cá không tính toán kỹ thì cầm chắc lỗ, bởi chi phí chuyến biển cao, trong khi nghề đánh bắt phụ thuộc vào luồng cá, nên chẳng khác gì đánh cược với biển.

Còn tại xã Thạch Kim (Lộc Hà), vựa cá của tỉnh Hà Tĩnh, tàu thuyền cập bến thưa thớt, khung cảnh nơi bến cảng mất hoàn toàn vẻ tấp nập. Ông Lê Thanh Hải, cán bộ Ban Quản lý cảng cá Thạch Kim cho biết: Từ Tết đến nay và nhất là khi giá xăng dầu tăng đột biến, số lượng tàu thuyền đánh bắt cập cảng giảm xuống dưới một nửa so với thời điểm này năm ngoái.

Còn theo ước tính của ngành thủy sản Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… sau những chuyến biển đầu năm đã có khoảng 30-60% tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa…

 

“Lối thoát” bán thuyền lên bờ?!

Cà Mau có trên 4.000 phương tiện khai thác thủy sản. Thời gian gần đây, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho ngư dân trong công tác tìm kiếm ngư trường, thay đổi phương thức làm ăn. Tuy nhiên, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho biết: Trong điều kiện giá xăng, dầu tăng và ngư trường ngày càng thu hẹp như hiện nay, chuyện một số phương tiện khai thác nhỏ, thiếu kinh nghiệm không ra khơi được là điều khó tránh. Chúng tôi đang xem xét đến chuyện đổi ngành nghề cho họ.

Còn theo tìm hiểu tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), một số ngư dân đã chuyển sang đánh bắt gần bờ để tiết kiệm chi phí. Ngư dân Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Thời gian này gia đình ông không ra khơi vì do giá xăng dầu lên, biển động, nếu đi thì lỗ là điều chắc chắn. Hiện phải chờ lúc nào điều kiện thời tiết thuận lợi mới dám đi vì biển yên chắc chắn đánh được nhiều cá. Trước đây, một chuyến ra khơi 1 tuần hết khoảng 7 triệu tiền dầu, trừ các khoản chi phí cũng lãi được vài triệu. Nhưng hiện nay, mỗi chuyến cũng hết gần chục triệu tiền dầu, mà giá các loại cá tăng không đáng kể. Chuyến nào may mắn thì hòa vốn, còn xui thì coi như tháng đó cả nhà đói.

Xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có 164 tàu thuyền đánh bắt, nhưng từ Tết đến nay chỉ còn 151 phương tiện. Lý do là một số ngư dân bỏ nghề, một số phương tiện chung nhau ra khơi để tiết kiệm chi phí, một số làm hồ sơ đi nước ngoài hoặc trở về làm ngành nghề dịch vụ. Một bộ phận do không tìm được “lối thoát” trước tình trạng đắt đỏ như hiện nay đã tính đến chuyện bán thuyền vì không thể bù lỗ. Nhưng xem ra phương án bán thuyền lên bờ của ngư dân cũng không khả thi, bởi thời điểm này có bán cũng không có ai mua, dù giá bán chỉ còn bằng 1/3 so với số tiền đầu tư đóng.

Nhìn chung, để hạn chế tình trạng tàu cá “mắc cạn”, rất cần một phương án hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân như Quyết định 289/QĐ-CP của Chính phủ 3 năm trước đây.

>> Ông Trần Văn Nghĩa, Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Giá xăng dầu tăng thì ngư dân là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi mỗi chuyến đi biển của ngư dân nhiên liệu chiếm tới hơn 80% chi phí. Nhiên liệu tăng thì ngư dân còn lãi chẳng là bao, thậm chí nhiều chủ tàu thuyền còn thua lỗ. Do vậy, rất cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để ngư dân có cơ hội bám trụ với nghề biển.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!