Xây dựng trung tâm nghề cá vùng: Tư duy mới nâng tầm nhìn xa

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong 2 ngày 17 và 19/9/2012, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND các tỉnh Khánh Hòa và Cần Thơ tổ chức Hội thảo xây dựng trung tâm nghề cá vùng Nam Trung bộ và ĐBSCL. Đây có thể sẽ là 2 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước.

Thực trạng ngành thủy sản Việt Nam

Theo Tổng cục Thủy sản, trong khoảng thời gian 5 năm từ 2006 – 2010, diện tích NTTS tăng trưởng bình quân 1,7%/năm; sản lượng tăng trung bình 12,9%/năm, từ 1.694 nghìn tấn năm 2006 lên 2.828 nghìn tấn năm 2010. Giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 25.898 tỷ đồng năm 2006 lên 36.150 tỷ đồng năm 2010, tăng trưởng 8,7%/năm. Mặc dù mức độ tăng trưởng của ngành cao, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Trong sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều tồn tại như thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn gặp khó; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập; thiếu quy trình, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc thủy sản của các nước nhập khẩu…

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên liệu khiến nhiều nhà máy chế biến thường xuyên hoạt động cầm chừng với công suất chỉ dừng ở mức từ 40 – 50% và phần nào vẫn phải “ăn đong”, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng ở các đối tượng nuôi chủ lực, nhưng chưa có giải pháp khắc phục kịp thời và phòng trị triệt để…

Hơn nữa, những quy định nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu đã và đang trở thành rào cản lớn đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bởi quy mô sản xuất nước ta vốn nhỏ lẻ manh mún, doanh nghiệp chủ yếu thu mua thủy sản qua hệ thống trung gian nên việc thực hiện ghi chép nguồn gốc xuất xứ cho các lô hàng khó thực hiện được. Do đó, cũng không dễ để kiểm soát được chất lượng.

 

Trung tâm vùng, ý nghĩa quốc gia

Trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, ngành thủy sản đề ra các mục tiêu là kinh tế thủy sản góp 30 – 35% GDP khối nông, lâm, ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 8 – 10%; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 8 – 9 tỷ USD; tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; hơn 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo.

Xây dựng cảng cá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TTNC vùng – Ảnh: Huy Hùng

Định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ: Phát triển ngành thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, có cơ cấu sản phẩm đa dạng. Giải pháp được hướng đến là tập trung vốn đầu tư xây dựng hình thành các trung tâm nghề cá lớn ở một số vùng ven biển và đồng bằng Nam bộ có điều kiện địa lý thuận lợi, cộng đồng dân cư có nghề cá là chủ yếu; phát triển các tụ điểm nghề cá có quy mô phù hợp… Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tạo được những vùng sản xuất tập trung để áp dụng công nghệ tiên tiến, đóng góp sản lượng hàng hóa lớn và ổn định, bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc hình thành các trung tâm nghề cá tại các vùng trọng điểm sẽ quyết định rất lớn đến sự phát triển thủy sản Việt Nam trong tương lai; tạo nền tảng, sức bật cho bước chuyển quyết định từ một nghề cá nhỏ, manh mún, mang tính tự phát sang nghề cá công nghiệp, nghề cá thương mại. Mặt khác, các trung tâm nghề cá trở thành động lực, thu hút đầu tư và tăng trưởng trong tương lai. Đồng thời, khai thác và phát huy thế mạnh của mỗi vùng.

 

Những việc cần làm

Báo cáo tại Hội thảo, TS Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đã đưa ra bộ tiêu chí lựa chọn xây dựng TTNC, bao gồm 6 điểm: Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; Khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản; Sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; Nguồn nhân lực; Vai trò của kinh tế thủy sản đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với an ninh quốc phòng, biển đảo; Đánh giá độ rủi ro.

Theo đó, hình thành TTNC vùng dựa trên cơ sở thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng… nhằm xây dựng những vùng phát triển kinh tế thủy sản năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho rằng, xây dựng Khánh Hòa thành TTNC vùng sẽ phục vụ lợi ích cơ bản cho toàn bộ các tỉnh Nam Trung bộ. Cần phải thể hiện rõ thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương sẽ đóng góp và mang lại lợi ích gì khi trung tâm được hình thành. Việc xây dựng phương án quy hoạch cần tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của vùng, trong đó chủ yếu là khai thác, nuôi biển, sản xuất giống, chế biến xuất khẩu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, trong đó sẽ đưa ra điểm nhấn ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới.

Cùng theo đó tại ĐBSCL, chọn Cần Thơ làm trung tâm, nhưng không có nghĩa gom cả về Cần Thơ, mà đây là hạt nhân để thúc đẩy phát triển cho các tỉnh vệ tinh.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc thành lập TTNC vùng dựa vào các tiêu chí của hiện tại và định hướng tương lai, ở đây sẽ không có sự cạnh tranh phát triển mà sẽ đi vào dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển vùng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đều có chung ý kiến, đó là vấn đề liên kết vùng vẫn chưa thực sự rõ ràng, bên cạnh đó, cũng cần nêu bật được vấn đề kết nối liên vùng và quốc gia và phải thể hiện được định hướng hội nhập quốc tế, nhằm tạo ra sức mạnh đồng thuận, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO.

Vẫn còn phải một thời gian dài nữa, ý tưởng xây dựng TTNC vùng mới đi vào thực tế. Tuy nhiên, những bước đi ban đầu này, đã tạo cơ sở nền tảng vững chắc để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: TTNC hiểu theo tư duy mới là hạt nhân tạo sự phát triển cho toàn vùng. Nó không có biên giới về hành chính và cũng không phải gom tất cả thủy sản về một nơi thành như một cái chợ đầu mối mà phải phát triển kết nối vùng theo hướng dịch vụ, thương mại. Hơn nữa, TTNC cũng không phải khu công nghiệp hay cảng cụ thể mà là hệ thống các cơ sở dịch vụ và công nghệ cao, tác động đến thế mạnh toàn vùng, tạo động lực để phát triển cho các tỉnh. Tuy nhiên, phải nghiên cứu thêm về các tiêu chí cho phù hợp với từng khu vực, đồng thời đề xuất lộ trình, ý tưởng, xem tiêu chí nào hiệu quả nhất để thực hiện.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!