(TSVN) – Hiện tượng tôm tấp mé bờ thường xuyên xảy ra ở các ao nuôi có vấn đề về chất lượng nước, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của tôm.
Nguyên nhân
Thường xảy ra nhất là tình trạng tôm thiếu ôxy hòa tan trong những ao quảng canh hay lắp đặt dàn quạt không đủ công suất, không khuếch tán ôxy đầy đủ trong ao.
Mật độ thả nuôi quá dày, không đảm bảo điều kiện thích hợp để tôm sinh trưởng và phát triển.
Ở các ao nuôi công nghiệp mật độ thả nuôi cao, nếu không có biện pháp xử lý nước và các chất cặn bã ở đáy ao tốt thì sẽ phát sinh nhiều khí độc như NH3, H2S, NO2 thường tập trung dưới đáy ao, tôm bắt buộc phải lên tầng mặt gần bờ để lấy ôxy.
Những ao có rong nhiều trong quá trình quang hợp sẽ làm pH tăng cao do đó làm ảnh hưởng sức khỏe tôm hay tấp mé bờ.
Những ao có độ kiềm thấp, làm mất cân bằng các chỉ tiêu chất lượng nước cũng dẫn đến tình trạng này.
Biến động môi trường, độ mặn và nhiệt độ môi trường tăng, áp suất giảm cũng sẽ làm tôm kéo đàn bám bờ nổi đầu. Hơn nữa, khi tôm nhiễm các bệnh như: đỏ thân, đen mang… cũng sẽ dẫn đến hiện tượng tôm bám bờ vào ban đêm.
Ảnh hưởng
Tôm bỏ ăn, ăn không hết thức ăn, đường ruột đứt khúc.
Tôm thiếu ôxy dẫn đến không hô hấp và chết rải rác làm ảnh hưởng đến năng suất.
Sức đề kháng của tôm yếu dẫn đến dễ nhiễm bệnh làm lây lan bệnh trong ao nuôi.
Nếu không kiểm tra, phát hiện sớm và có phương pháp xử lý kịp thời có thể gây chết tôm với tỷ lệ rất cao.
Chẩn đoán
Tiến hành đo hàm lượng ôxy hòa tan trong ao.
Kiểm tra đáy ao, sử dụng bộ test để kiểm tra nồng độ khí độc trong ao nuôi.
Quan sát và kiểm tra hàm lượng tảo trong ao nuôi.
Sử dụng thiết bị đo pH trong ao xem đã ở mức ổn định hay chưa?
Xét nghiệm bệnh tôm bằng kỹ thuật PCR để kiểm tra xem tôm có bị nhiễm các bệnh EMS, bệnh đốm trắng, đỏ thân hay không?
Xử lý
Nếu nguyên nhân tôm bám bờ vào ban đêm do thiếu ôxy thì người nuôi cần phải tiến hành thay nước để giảm hàm lượng khí độc và giúp ôxy khuếch tán dễ dàng hơn, bên cạnh đó đánh ôxy viên cấp cứu kịp thời kết hợp với chạy tất cả quạt gió có trong ao nuôi.
Để xử lý khí độc trong ao nuôi người nuôi có thể sử dụng chế phẩm sinh học nhằm mang lại hiệu quả cao.
Ao nuôi có tảo phát triển quá mức, nhiều rong thì cần phải diệt tảo sau đó sử dụng men vi sinh xử lý đáy ao.
Thiết kế hệ thống quạt nước, sục khí phù hợp để đảm bảo ôxy phân tán đều trong ao Ảnh: Chinaaerator
Phòng bệnh
Tuân thủ mật độ thả giống vừa phải, không thả với mật độ quá dày sẽ cạnh tranh ôxy trong ao. Mật độ nuôi thích hợp cho mô hình nuôi thâm canh là từ 50 – 60 con/m2 hay mô hình siêu thâm canh là từ 200 – 250 con/m2.
Thiết kế hệ thống quạt nước, sục khí phù hợp với diện tích ao nuôi, đảm bảo cung cấp hàm lượng ôxy hòa tan cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Bổ sung thêm vitamin, vi sinh, men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng.
Thường xuyên kiểm tra sàng ăn và mé bờ để sớm phát hiện các dấu hiệu và nhanh chóng xử lý kịp thời.
Nên lắp đặt lưới che mát, để nhiệt độ không biến động quá nhiều tránh gây sốc nhiệt trong ao.
Thường xuyên xi phông đáy ao để loại bỏ các chất dư thừa trong ao.
Định kỳ từ 3 – 5 ngày sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào ao nuôi để giúp cải thiện chất lượng nước, xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa.
>> Trong quá trình nuôi, cần kiểm soát các chỉ tiêu nước như: pH, ôxy hòa tan, độ kiềm, độ trong, độ phèn… phải trong ngưỡng thích hợp của tôm nhằm tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng nhanh.
Lê Loan