Tại TP Cần Thơ, hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản kém chất lượng vừa bị ngành chức năng phát hiện và xử lý.
Tổng cục Thủy sản và các địa phương đã tích cực trong công tác kiểm soát nguồn tôm giống
9/9 cơ sở sai phạm
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ NN&PTNT quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục An ninh Kinh tế (A04), Bộ Công an và Phòng An ninh kinh tế (PA04), Công an TP Cần Thơ tiến hành thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Qua thanh tra, đã phát hiện 9/9 cơ sở vi phạm quy định về ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; không lưu giữ hồ sơ kiểm dịch tôm giống; vi phạm quy định về sử dụng thuốc, kháng sinh, hóa chất trong NTTS; sản xuất tôm giống không đúng với tiêu chuẩn cơ sở đã công bố…
Nghiêm khắc xử phạt
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với 9 cơ sở với số tiền 312 triệu đồng.
Ngay sau đó, Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành văn bản số 1345/TCTS-PCTTr ngày 12/6/2019 gửi Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chấn chỉnh công tác quản lý giống tôm nước lợ tại địa phương. Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện ngay một số nội dung sau:
Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện về điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng; thực hiện công bố chất lượng; kiểm dịch tôm giống; sử dụng thuốc, hóa chất trong sản xuất, ương dưỡng tôm giống và các quy định khác liên quan. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo kết quả về Tổng cục Thủy sản để phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý tận gốc.
Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu sử dụng nguồn Nauplius được cung cấp từ các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ để ương dưỡng thành tôm giống. Vì vậy, đề nghị Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chủ động phối hợp với các địa phương nơi cung cấp tôm giống để quản lý, giám sát nguồn gốc tôm giống.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống biết và thực hiện nghiêm quy định tại Luật Thủy sản; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS và các quy định của pháp luật về thú y. Ngoài ra, cũng cần tham mưu cho UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát việc xả thải nguồn nước mặn dùng trong sản xuất, ương dưỡng tôm giống ra môi trường.
Cần tôm giống sạch
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2019, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 667 nghìn ha, bằng 102,3% so cùng kỳ 2018 và 92% kế hoạch năm 2019. Trong đó, diện tích tôm sú khoảng 590 nghìn ha, bằng 101%; diện tích TTCT khoảng 77 nghìn ha, bằng 108%. Sản lượng thu hoạch ước 289,7 nghìn tấn, bằng 108,8% so cùng kỳ và đạt 33,7% so kế hoạch cả năm 2019. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt khoảng 112,3 nghìn tấn, bằng 106,7% cùng kỳ; TTCT đạt 177,4 nghìn tấn, bằng 110,2% cùng kỳ năm 2018.
Xác định được giá trị kinh tế từ con tôm mang lại, đầu năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”. Theo đó đặt mục tiêu cụ thể là tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm); trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này thì ngay từ bây giờ cần có nhiều giải pháp, nhất là việc nâng cao chất lượng tôm giống, vì đây được xem là nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành.
Cần Thơ không phải là tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm nhưng trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại đã có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống lớn nhỏ khác nhau. Như vậy đủ để thấy, với nhu cầu tôm giống ngày càng cao, lợi nhuận lớn, doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng theo đó mà ra đời ngày càng nhiều, bài toán quản lý chất lượng càng gặp nhiều trở ngại hơn.
Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản và các địa phương đã tích cực trong công tác kiểm soát nguồn tôm bố mẹ thông qua kiểm tra chặt việc nhập khẩu cũng như giám sát sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra và hướng đến đích bền vững, không chỉ dừng lại ở vai trò của quản lý nhà nước, mà còn đòi hỏi nỗ lực của các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất và quan trọng là ý thức của người nuôi. Sẽ không bao giờ chúng ta thành công nếu doanh nghiệp/cơ sở sản xuất không có “tâm và tầm”. Song quan trọng hơn cả là phía người dân, rất cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng và thận trọng hơn trong khâu lựa chọn tôm giống.
Phương Ngọc