(TSVN) – Hằng năm, khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi, đồng nước cạn dần đầy rẫy cá, tép, nông dân bắt tay vào sản xuất vụ lúa Đông Xuân… thì những cánh Sếu lại chấp chới bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim để kiếm ăn và múa hót. Điều may mắn là hiện nay Tràm Chim không bị phá huỷ, con người sống chan hoà với thiên nhiên.
Sau Lễ công bố Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 – 2032 khoảng nửa tháng, vào khoảng 11 giờ, ngày 26/12/2024, nhân viên bảo vệ Trạm Phú Hiệp, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận có đàn Sếu đầu đỏ 07 bay ngang trạm về hướng khu A5 của Vườn Quốc gia Tràm Chim, với tiếng kêu lảnh lót, vang trời… Trước đó, vào lúc 10 giờ 30 ngày 07/3/2024, trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy và chuẩn bị các bước cần thiết phục vụ cho đợt diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy rừng, viên chức và nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận 04 cá thể Sếu đầu đỏ tại phân khu A5. Thời gian 04 cá thể đáp xuống bãi ăn là khoảng 30 phút. Sau đó, các cá thể Sếu bay về hướng phân khu A4. Trong lúc khảo sát nhân viên cũng đã dùng điện thoại di động chụp ảnh và quay một số hình ảnh để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Người dân Đồng Tháp rất tự hào với hình ảnh chim Sếu bay lượn chập chờn, múa hót … trên vùng đất ngập nước Tràm Chim. Đó là thú vui hết sức tao nhã của những du khách mê xứ sở Sen Hồng khi về với Vườn Quốc gia Tràm Chim (QGTC). Biệt danh “nữ hoàng chân dài” đầy hấp dẫn và nhạy cảm, đó là mỹ từ dùng để chỉ loài Sếu đầu đỏ, cò… những loài chim chân dài, yểu điệu, đài các, quý và hiếm từng được mệnh danh “Nữ hoàng Sếu” hay “Hạc Tiên”…
Những ngày này, Khu du lịch Tràm Chim đã chuẩn sẵn sàng đón khách đến tham quan, du lịch dịp Tết cổ truyền dân tộc. Tại Vườn QGTC vừa tổ chức trọng thể công bố Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 – 2032, bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trước mắt, từ nay đến năm 2028 sẽ tiếp nhận được 30 cá thể Sếu đầu đỏ 6 tháng tuổi từ Thái Lan về chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Trong 05 năm đầu có thể cho Sếu sinh sản và sống tốt trong điều kiện bên trong và ngoài Vườn QGTC. Giai đoạn 2029 – 2032, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể Sếu từ 6 tháng tuổi; dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Cùng với đó, xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn QGTC. Cán bộ kỹ thuật của Vườn QGTC có thể tự chăm sóc Sếu thành công và cho sinh sản, thả về thiên nhiên. Trong 10 năm (2022 – 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống; đàn Sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tồn tại ngoài tự nhiên và sống quanh năm tại Tràm Chim. Khu Du lịch Tràm Chim cũng đã mở điểm ngắm chim thiên nhiên hoang dã trong khung cảnh bình minh vừa ló dạng và lúc hoàng hôn buông xuống, đắm mình giữa khu Wildbird Hotel Tràm Chim vừa khai trương thật ấn tượng và tuyệt vời biết bao; tham quan Du lịch quán cạnh bên Trang trại Ong mật rừng và bến tàu kéo đưa rước khách du lịch tham quan Vườn QGTC, với các loại thức uống, ẩm thực phong phú và tham quan hồ sen, súng, cho cá ăn thư giãn và cũng đã chỉnh trang cơ sở vật chất, thay thế các thiết bị, dụng cụ đã bị hư hỏng, cũ kỹ; mở phiên chợ quê, với các món bánh dân gian truyền thống tại điểm dừng chân C4… phục vụ du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát giá dịch vụ; bổ sung mới các loại hoa kiểng, tiểu cảnh, trang trí lại khu đón khách và đưa vào khai thác một số dịch vụ mới… Đặc biệt là trang bị các phương tiện thuỷ bộ thân thiện với môi trường…
Đến Tràm Chim, du khách không chỉ tận mắt chiêm ngưỡng đàn Sếu múa hót, chọn bạn tình; xem bãi chim sinh sản, bơi xuồng ngắm cảnh quan sinh thái mà còn trải nghiệm cuộc sống ngư dân, thu hoạch lúa trời, săn chuột đồng, câu cá, cất vó, ăn uống, nghỉ ngơi… thật là một thú vui tao nhã, lý tưởng giữa tiết trời mùa Xuân ấm áp!
Cách thành phố Cao Lãnh – trung tâm tỉnh Đồng Tháp – thuần khiết như hồn sen gần 40 km, du khách có thể mất gần một giờ ngồi xe đò để đến thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông!
Nơi đây, có điểm hẹn lý tưởng là Vườn QGTC với tổng chu vi hơn 70 km, diện tích chiếm 7.313 ha. Đây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 20.000 cá thể loài chim nước, trên 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác. Trong đó, có 231 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn… Bên cạnh đó, Vườn QGTC còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000 ha tràm và gần 1.000 ha lúa trời, sen, súng, cỏ, năn… Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống… Vườn QGTC đã được cấp Bằng công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới. Ngày 16/10/2015, Vườn QGTC cũng được Cục Di sản Văn hóa xếp hạng mục Danh lam thắng cảnh. Đây là một trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam, sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương!
Đến Tràm Chim, khi bình minh vừa ló dạng, sương mai còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ… ngồi trên xuồng máy lướt sóng trên dòng kênh, ngắm nhìn hai bên bờ… chim chóc bay đi kiếm ăn rất nhiều, tiếng chim hót líu lo nghe thật vui tai… Bầy le le – vịt trời cả trăm con, nghe tiếng xuồng máy đến gần, vút bay lên cao rồi dang đôi cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẫm phía xa. Có mấy con chim bói cá khoác màu lông xanh biếc, thảnh thơi đậu trên những nhánh tràm, cọc tre; có con nhanh nhạy sà xuống nước đớp mồi… trông thật ngoạn mục. Vài con chim trích mồng lông xanh thẫm, đuôi vanh vảnh… thoắt ẩn, thoắt hiện trong những đám cỏ năn ven bờ kênh…
Từ trên Đài quan sát nhìn xuống là cả một rừng tràm nguyên sinh. Thân tràm lớn, nhỏ hòa quyện nhau vươn lên trời cao, lá tràm vi vu, đong đưa xào xạc trong gió sớm, bông tràm tỏa hương thơm ngào ngạt, ngất ngây… Bất chợt một thoáng như mơ, như thực, du khách sẽ bắt gặp ẩn hiện trước cảnh bao la của đất trời Đồng Tháp mênh mông đầy nước những cánh hạc chấp chới, nhẹ nhàng như những áng mây bồng bềnh, rồi thả cánh xuống Tràm Chim – giữa đồng nước có lõm rừng tràm nguyên thuỷ – nơi trú ngụ của những “nữ hoàng Sếu” và các loài chim muông quý hiếm…
Người Nam bộ xem Hạc là loài chim thiêng quý phái, đài các như “Hạc Tiên” với dáng vẻ thanh thoát, yểu điệu và thong dong. Hạc đầu đỏ, mỏ dài, chân và cổ cao, có bộ lông màu da, có dáng đi đủng đỉnh, khoan thai, gợi mở về một cảnh sống hòa bình, an lạc. Hạc cân nặng từ 8 -10 kg, cổ không lông, tuổi lên 3 có màu đỏ. Hạc thường ngủ ở gò và rất cần nơi yên tĩnh. Nguồn thức ăn nuôi sống Sếu là chất bột của củ năn, lúa trời và có thể ăn thêm cua, ốc, cá, tép…
Ngoài thời gian kiếm ăn nơi đồng vắng, trống trải, có nước – đất màu mỡ, Sếu dành thời gian múa hót và lúc đến với bạn tình cần phải có bãi trống. Sếu về Tràm Chim vào tháng Giêng và tìm bạn tình vào tháng Năm (trước mùa mưa). Sau đó, di chuyển tìm địa bàn có môi trường thích hợp để đẻ trứng và nuôi con…
Trong cấu tạo địa hình Tràm Chim là môi trường sinh thái rất lý tưởng, phù hợp cho Sếu thường trú vì có nhiều nguồn thức ăn và nhiều cây che khuất đảm bảo yên tĩnh… Điều may mắn là hiện nay Tràm Chim không bị phá huỷ, con người sống chan hoà với thiên nhiên. Người dân Đồng Tháp rất tự hào với hình ảnh của Sếu bay lượn chập chờn, múa hót vang trời trên vùng đất Tràm Chim. Gần đây, ở Tràm Chim còn phát hiện thêm hai loại hoa mới độc đáo là hoa vàng Đầu Ấn và hoa Cán Nhĩ tím và các loại cây cỏ, hoa sen, hoa súng… được du khách mê thích, tìm đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm rất nhiều.
Còn nhớ, đàn Sếu múa điệu xòe, nhịp nhàng rất đẹp không kém gì con người nhảy múa bên lửa trại. Hai con đứng cách nhau thẳng hàng cùng tấu điệu nhạc nửa như tiếng kêu, nửa như tiếng hót. Những con chim khác họp thành vòng tròn. Chính giữa có mấy con xoay ngược chiều. Nhạc công thì tấu nhạc – vũ công thì xòe cánh ra, co chân lên rồi hạ xuống, lại co chân kia lên xong lại hạ xuống. Chúng cúi đầu xuống ép vào bộ lông ngực màu như chiếc áo tu sĩ, ngẩng đầu lên rồi lại cúi đầu xuống. Bầy Sếu lặng yên múa, lúc thì vụng về, lúc lại mềm mại, khéo léo. Cuộc vui rất trang nghiêm. Cánh Sếu rung rung, lên lên – xuống xuống như cánh tay người dang ra uốn éo…
Gió chiều Tràm Chim – Tam Nông (Đồng Tháp) lướt nhẹ trên cành cây, ngọn cỏ. Mặt nước rập rờn. Ánh hoàng hôn nhuộm màu hồng lông Sếu. Bầy Sếu múa trong một khung cảnh diễm huyền. Nước gợn sóng lăn tăn, cỏ rung rinh xào xạc… Cả trời, đất, gió, mây và cả bóng chiều tà cũng múa theo nhịp điệu của bầy Sếu…
Sếu sống hiền hoà, giản dị và còn báo hiệu cho con người biết được sự thay đổi khí tượng, thời tiết, nắng mưa… để tạo điều kiện trong công việc đồng áng! Thiên nhiên nơi đây đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du ngoạn và nghiên cứu khoa học. Thật là tuyệt diệu!
Trần Trọng Trung