Xa đất liền, xa người thân, nhưng mùa xuân lại rất gần với những chiến sĩ đang bảo vệ quần đảo Trường Sa. Cùng với những mặt hàng thiết yếu từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi tặng, cán bộ, chiến sĩ trên đảo chuẩn bị chu đáo để đón Xuân chan chứa tình đồng đội…
“Thực túc” ở đảo chìm
Những đợt gió mùa liên tiếp tràn về, sóng biển cao thêm. Từ đảo Song Tử Tây, đến đảo Đá Nam, tàu chúng tôi phải mất trọn một ngày. Ở phía bắc quần đảo Trường Sa, các đảo chìm (Đá Nam, Đá Thị) khó khăn hơn cả vì diện tích nổi rất ít. Không gian hẹp, sóng, gió và hơi mặn quanh năm, tưởng chừng như không có loài thực vật nào có thể tồn tại được. Vậy mà, trên mái bếp, bên hiên nhà, trong những hộp xốp, chậu… rau xanh nhiều chủng loại vẫn lên xanh. Thượng úy Kiều Việt Phong, Đảo trưởng đảo Đá Nam, cho biết: "Nếu không chủ động tăng gia sản xuất thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu rau xanh cho bộ đội. Thiếu thịt, cá còn chịu được chứ thiếu rau thì bữa cơm thật kém ngon. Từ chỉ huy đảo đến từng chiến sĩ luôn tích cực, hăng hái tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống”.
Mai vàng trên đảo chìm Đá Thị.
Ra đảo làm nhiệm vụ được nửa năm, nhưng Trung sĩ Bùi Thanh Điền đã tỏ ra có kinh nghiệm ươm trồng, chăm sóc các loại rau. Chàng trai quê Đồng Nai tâm sự: “Ở nhà em chưa trồng rau bao giờ, ra đây được các cán bộ, đồng đội đi trước hướng dẫn, dần dần em đã biết cách chăm sóc, che chắn cho rau theo từng mùa. Ở đây, chỉ cần lơ là, không kịp che đậy là cả vườn rau bị hỏng vì hơi mặn của nước biển”.
Cán bộ, chiến sĩ các đảo Đá Nam, Đá Thị còn tích cực nuôi gia súc, gia cầm. Những chú lợn, chó, gà, ngan, vịt… lông mượt, lớn nhanh. Đại úy Bùi Phi Long, Đảo trưởng đảo Đá Thị, chia sẻ: “Năm vừa qua, đảo có rau xanh bốn mùa; hơn 70 con gà, vịt đẻ trứng đều đều…”.
Tình đồng đội nơi “đầu sóng”
Giữa trùng khơi, hằng ngày phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, tình cảm của những người lính càng sâu đậm, gắn kết hơn. Tại đảo Sơn Ca, dưới tán cây bàng quả vuông, từng tốp chiến sĩ trò chuyện rôm rả. Binh nhất Nguyễn Đình Dương bộc bạch: “Trước khi ra đảo, em cứ hình dung mãi về nơi mình đến. Gần nửa tháng trên tàu và say sóng, nhưng khi đến đây, cảnh quan môi trường, nơi ăn ở khang trang, sạch đẹp, đã giúp em và đồng đội sớm hòa nhập. Đảo có sóng điện thoại, điện thắp sáng 24/24 giờ nên mọi sinh hoạt và thông tin về đất liền cũng thuận tiện. Kỷ niệm đẹp nhất của em là giây phút cả đảo cùng vui liên hoan văn nghệ, đón giao thừa. Với các đồng chí làm nhiệm vụ trực chiến, chỉ huy đảo và phân đội đến tận nơi chúc Tết. Em sắp phải chia tay đồng đội về đất liền rồi”.
Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn, Phân đội trưởng Phân đội 1 dẫn hai chiến sĩ vừa từ đất liền ra, được biên chế về phân đội. Nụ cười hiền và giọng nói trầm ấm của người chỉ huy giúp các chiến sĩ Nguyễn Khắc Tạo, Nguyễn Trọng Đức cởi mở và yên tâm hơn trong ngày đầu tiên ra đảo. Nguyễn Khắc Tạo, chàng trai quê Cầu Giấy, Hà Nội, bộc bạch: “Đây là lần đầu em xa gia đình và ăn Tết ở đảo. Phía trước sẽ còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ra đảo, em và các đồng đội rất vui, sẽ cố gắng phấn đấu huấn luyện, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với sự tin tưởng của chỉ huy đơn vị, người thân…”.
Theo Đại úy Nguyễn Tiến Tảo, Chính trị viên phó đảo Sơn Ca: Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở đảo tuổi đời còn trẻ. Mỗi người một tính cách, phong tục tập quán khác nhau, song ra đảo ai cũng rất chan hòa, tình cảm, gắn bó, góp phần để đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Xuân đang về trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong vị mặn mòi của biển, chúng tôi vẫn cảm nhận hương thơm của các loài hoa phong ba, bàng quả vuông… Và trên những cành mai từ đất liền gửi ra, các nụ hoa đã chúm chím khoe sắc. Hậu phương luôn tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, trọn niềm tin, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Theo báo QĐND)