(TSVN) – Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua bột cá từ các nguồn cung như Việt Nam, Nga, Thái Lan và Ấn Độ. Khối lượng nhập khẩu tăng kỷ lục 29%, đạt 1,2 triệu tấn.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu bột cá từ nhiều quốc gia. Ảnh minh họa
Hiện tượng El Nino kéo dài đã khiến sinh khối cá cơm tại Peru – quốc gia sản xuất bột cá lớn nhất thế giới – giảm đáng kể. Do đó, Trung Quốc phải gia tăng nhập khẩu bột cá từ các nguồn cung khác để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất trên thế giới có cơ hội nắm giữ thị phần đang bị bỏ ngỏ này.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ bột cá lớn nhất thế giới, tuy nhiên bấy lâu nay bột cá nhập khẩu vào Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào Peru. Bột cá Peru được Trung Quốc sử dụng cho các ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi mũi nhọn. Tuy nhiên, năm 2023, nhập khẩu bột cá Peru vào Trung Quốc giảm 50% xuống còn 430.202 tấn sau sự kiện El Nino tác động khiến sản lượng cá cơm Peru giảm nghiêm trọng.
Với sự “thoái lui” bất đắc dĩ của Peru, các nhà sản xuất bột cá lớn như Việt Nam, Nga, Thái Lan, và Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội để lấp “lỗ hổng” thị trường. Năm 2023, ngoài bột cá Peru, Trung Quốc nhập khẩu 1,2 triệu tấn bột cá từ các quốc gia khác, đạt mức cao kỷ lục.
Chuyên gia phân tích thủy sản Jean-Francois Mittaine cho rằng: “Nhu cầu protein ở Trung Quốc vốn đã cao, nay càng cao hơn. Biểu đồ giá bột cá tiếp tục đi lên, nhu cầu tại Trung Quốc không ngừng tăng, khiến chế biến bột cá trở thành nghề “hot” trên thế giới. Điều này có thể dẫn tới việc khai thác quá mức và đe dọa tính bền vững nếu như các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý thích hợp”. Ngoài ra, ông Mittaine bày tỏ nghi ngờ về năng lực của một số quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, liệu họ có thể thực hiện song song – tăng gia sản xuất bột cá và đảm bảo tính bền vững?!
Tuy nhiên, phía đại diện của MarinTrust (một chương trình chứng nhận quốc tế đối với thành phần thủy sản) cho biết các dự án thủy sản của Nga không có gì thay đổi nhằm nâng cao hơn nữa tính bền vững. Tại Ấn Độ, chỉ duy nhất một chương trình nghề cá mòi tại Goa và Maharashtra được tập trung cải thiện để tăng sản xuất bột cá. Nhưng với Việt Nam và Thái Lan, MarinTrust khá tin tưởng vào tính bền vững của ngành sản xuất bột cá bởi hai quốc gia này sử dụng phụ phẩm cá ngừ, tôm và cá tra.
Ông Enrico Bachis, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Tổ chức các thành phần có nguồn gốc từ biển, cho rằng các nhà lập pháp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý, trong đó quản lý nghề cá là mục tiêu cốt lõi. Các chính sách đảm bảo chất lượng cần được phổ biến rộng rãi để chống lại các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) – đang dẫn tới tình trạng khai thác quá mức.
Trên thực tế, năm 2023, giá bột cá tăng cao đột ngột đã “truyền cảm hứng” cho các nhà sản xuất thức ăn thủy sản nghiên cứu để giảm bớt lượng bột cá, dầu cá mà vẫn đảm bảo thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. “Mặc dù bột cá và dầu cá là thành phần nền tảng trong thức ăn nuôi trồng thủy sản, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cá, chúng ta có thể giảm sự phụ thuộc vào bột cá. Tôi không mong sản xuất bột cá tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Tôi nghĩ nhập khẩu bột cá của Trung Quốc sắp chạm mức tối đa. Họ đang tìm kiếm nguồn cung từ khắp các quốc gia trên thế giới, nhưng liệu họ có mãi chấp nhận mức giá ngày càng tăng?”, ông Mittaine bày tỏ.
>> Năm 2023, Việt Nam cung cấp gần 262.000 tấn bột cá sang Trung Quốc, tăng 24%. Bột cá Việt Nam thường được chế biến từ nhiều loại cá khác nhau, cũng như phụ phẩm từ cá ngừ, tôm nuôi và cá tra. Xuất khẩu bột cá từ Ấn Độ sang Trung Quốc cũng đạt mức kỷ lục với hơn 124.000 tấn, cao hơn gấp đôi so với năm 2022; bột cá Ấn Độ được sản xuất từ các loài cá khai thác ngoài khơi như cá mòi và cá sòng Thái Bình Dương. Nhập khẩu bột cá từ Nga vào Trung Quốc tăng 20% lên 134.000 tấn. Một số quốc gia khác cũng ghi nhận tăng như Mỹ, Myanmar, và Ecuador. Ngoài ra, năm 2023 Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 80 triệu tấn đậu tương, một con số vô cùng lớn.
An Vy (Theo Undercurrentnews)