Xuất khẩu nhuyễn thể nửa đầu năm 2013 tăng trưởng âm và không ổn định. Không dễ để mặt hàng này phục hồi trong bối cảnh thiếu nguyên liệu, giao dịch tại nhiều nước gần như đóng băng.
Giá trị xuất khẩu giảm mạnh
Nhìn chung, tình hình xuất khẩu cả nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong 6 tháng đầu năm 2013 đều không khả quan.
Số liệu từ VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc chỉ đạt 192,9 triệu USD, giảm 22,8% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm “chạm đáy” trong 15 năm qua. Hai thị trường chiếm 59% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản có đến 5 tháng liên tiếp giảm từ 10 – 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh nhất trong 5 năm gần đây. EU, Nga và Mỹ là ba thị trường xấu nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam trong nửa đầu năm với giá trị liên tục giảm đến hai con số trong 6 tháng. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng này sang EU giảm 39,4%; Nga giảm 22,7% và Mỹ giảm 63,7% so cùng kỳ năm trước.
Tương tự các sản phẩm hải sản xuất khẩu khác, trong 6 tháng đầu năm nay, có đến 4 tháng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm so cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 6/2013, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ chỉ đạt gần 38,4 triệu USD, giảm 1,9% so cùng kỳ năm 2012. Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc – Hồng Kông đều sụt giảm đến hai con số.
6 tháng, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt gần 38,4 triệu USD – Ảnh: Huy Hùng
Trong ba thị trường lớn nhất nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam là EU, Nhật Bản và Mỹ thì giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản tốt hơn cả. Ngoài ra, Australia và Canada là hai “điểm sáng” trong “bức tranh tối” xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013. Do gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang EU và Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang Australia nên trong các tháng 1, 3 và 5/2013, giá trị xuất khẩu sang Australia lần lượt tăng 146%, 280% và 10.223,4% so cùng kỳ năm ngoái. Với thị trường Canada, xuất khẩu mặt hàng này sang đây nửa đầu năm 2013 cũng đạt 0,29 triệu USD, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2012.
Nỗi lo thị trường, nguyên liệu
Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm trong nửa đầu năm nay chủ yếu là do nguồn nguyên liệu trong nước khan hiếm. Tại các cảng lớn ở một số tỉnh như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, lượng mực và bạch tuộc khai thác cập cảng giảm đáng kể. Dù thiếu nguyên liệu nhưng các doanh nghiệp vẫn không dám nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để chế biến tái xuất bởi hiện nay nguồn nguyên liệu mực và bạch tuộc tại một số nước cung cấp lớn cũng không dư thừa, đẩy giá nguyên liệu tăng cao nên doanh nghiệp rất e dè.
Nhiều doanh nghiệp nhận định, trong những tháng tới, xuất khẩu mực, bạch tuộc sẽ tiếp tục giảm, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến, giá nguyên liệu tăng mạnh trong khi giá xuất khẩu tăng chậm hơn khiến doanh nghiệp buộc phải từ chối nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống.
Đối với xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang hầu hết các thị trường chính cũng giảm 15,6 – 60,3% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường tiêu thụ kém, đơn hàng từ các nhà nhập khẩu bị hạn chế nhiều, giá xuất khẩu hạ và giảm khoảng 30% so với năm 2012.
Hơn thế nữa, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng, đơn cử như Hàn Quốc còn phải chịu áp lực cạnh tranh với nhiều nguồn cung cấp lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pêru, Thái Lan, Indonesia…
Chắc chắn trong năm nay, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn chưa thể tăng do sức mua giảm. Với nhuyễn thể chân đầu, cánh cửa tuy có rộng mở hơn đôi chút nhưng cũng không dễ dàng gì, bởi nhiều doanh nghiệp đang “chùn chân” khi phải đối diện với hàng loạt thách thức về vốn, nguyên liệu, vướng mắc trong thủ tục kiểm dịch, nhập khẩu…
>> Nhiều chuyên gia dự báo, xuất khẩu nhuyễn thể trong những tháng tới chưa thể thoát đà suy giảm. Theo đó, doanh nghiệp cần chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống và các thị trường mới nổi như: ASEAN, Trung Đông, Australia, Canada… Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và cân nhắc tỷ trọng mặt hàng này trong cơ cấu hàng xuất khẩu. |