Xuất khẩu thủy sản 2012: Vẫn lượng là chính

Chưa có đánh giá về bài viết

Lượng thủy sản xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2012 tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị xuất khẩu không tăng. Diễn biến thị trường khiến việc nâng cao giá trị gia tăng vẫn là mục tiêu lâu dài.

Lượng bù chất

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 5,08 tỷ USD, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2011, tương đương 75 triệu USD. Đối tác nhập khẩu vẫn là những thị trường truyền thống (Mỹ tăng 6,4%, đạt 995 triệu USD; Nhật Bản 896 triệu USD, tăng 13,2%; Hàn Quốc 413 triệu USD, tăng 6,7%…).

Vượt qua khó khăn chung của thị trường, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhưng chất lượng sản phẩm không tăng. Đặc biệt, các lô hàng xuất vẫn bị cảnh báo chất lượng ở những thị trường quen thuộc. 10 tháng đầu năm, Việt Nam bị cảnh báo 275 lô hàng từ Nhật, Mỹ, EU. Tháng 10/2012, với 25 lô thủy sản bị cảnh báo, tăng 40% so với tháng 9 (15 lô), riêng thị trường Nhật có 8 lô hàng bị cảnh báo cho sản phẩm tôm, cá hồi và thủy sản phối trộn; thị trường EU tăng 4 lần, Mỹ tăng 2,25 lần số lô hàng bị cảnh báo.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty Cafatex – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo ông Ngô Quang Tú – Trưởng phòng Chế biến bảo quản Thủy sản, Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, năm 2012, do mặt hàng tôm xuất sang Nhật gặp rào cản khi nước này áp dụng mức dư lượng 0,01 ppm đối với chất Ethoxyquin và kiểm tra 100% các lô hàng tôm xuất sang nước họ. Hai chất được đưa ra thay thế Ethoxyquin trong bảo quản thức ăn thủy sản gồm BHA (Butylated Hydroxyl Anisole) và BHT (Buty lated Hydroxyl Toluence) đến nay vẫn chưa khả quan. Trong khi đó, muốn xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng là mục tiêu lâu dài, không thể ngày một ngày hai làm được ngay, việc này cần sự can thiệp của Nhà nước. Hơn nữa, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị có hiệu quả hơn so với sơ chế không, doanh nghiệp cân nhắc, nếu hơn thì phải làm.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho biết, hiện có trên 300 trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp có đủ công nghệ và được xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Tuy nhiên, việc gia tăng chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc sự chấp nhận của khách hàng, trước tiên phải có thị trường xuất khẩu ổn định rồi mới tính đến việc chất hay số lượng. Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong bối cảnh chung hiện nay rất phức tạp.

               

Không thể ngày một ngày hai…

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu bằng cách tăng lượng mỗi lô hàng được xem là mục tiêu của ngành thủy sản trong tình hình nuôi trồng và khai thác khó khăn như hiện nay. Theo thống kê, 10 năm lại đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng mạnh nhờ sản lượng thủy sản nuôi (cá tra và tôm) tăng. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, tốc độ tăng sản lượng thủy sản nuôi gần như không thêm. Chính vì vậy, việc tăng kim ngạch của ngành chỉ hướng đến tăng chất lượng, tức phấn đấu đưa tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng tăng lên so với hiện tại. Tuy nhiên, không thể ngày một ngày hai thực hiện được.

Theo một vị lãnh đạo Sở Công thương Đồng Tháp, cần phải quy hoạch cụ thể; trước mắt, Chính phủ cần quy định cụ thể giá sàn. Doanh nghiệp khi xuất khẩu phải tuân theo giá này để nâng giá thu mua trong nước. Về lâu dài, cần quy hoạch lại vùng nuôi, nâng cao giá trị hàng thủy sản nhằm giúp nông dân đạt lợi nhuận tối đa. Trong đó, Nhà nước phải giám sát nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay, các địa phương cần hướng người dân sản xuất theo mô hình VietGAP để hạn chế rủi ro từ nước nhập khẩu; doanh nghiệp phải tập trung xây dựng thương hiệu cho thủy sản, đầu tư thiết bị chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.

Đại diện lãnh đạo VASEP cũng cho rằng khâu nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cần được chú trọng hơn, vì nếu chỉ chú ý khâu chế biến như hiện nay tức là vẫn tiếp tục tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Số tiền đó nếu đầu tư tốt cho sản xuất giống và chăm sóc sẽ có kết quả tốt hơn. Cần phải làm quen quản lý theo chuỗi sản xuất, tránh để lọt sản phẩm kém chất lượng.

Theo ông Ngô Quang Tú, trước tiên cần phải xem lại nhu cầu của thế giới, tức phải có thị trường; từ đó doanh nghiệp gia tăng sản phẩm mới, tìm đối tượng nuôi mới, hoặc tăng nhập khẩu và gia công chế biến để xuất trở lại. Chất lượng là yếu tố sống còn, phải sản xuất hàng giá trị gia tăng bằng công nghệ phù hợp các nước. Việc này cần hỗ trợ từ Nhà nước và chuẩn bị kỹ, không thể nói làm là làm ngay được.

>> Mục tiêu của ngành thủy sản Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững, khả năng cạnh tranh cao và duy trì trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Năm 2015, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8%/năm; đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 – 10,5 tỷ USD; tốc độ tăng khoảng 7%/năm.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!