Bên cạnh một số cơ hội mở ra thì những khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm vẫn còn rất “nóng”. Nhiều DN đang xoay xở đủ cách mong tìm được lối thoát.
Cơ hội mở ra
Tháng 9/2013, tin vui liên tiếp đến với ngành tôm Việt Nam. Đầu tiên là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công nhận toàn bộ 33 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 (POR7) không bán phá giá trên thị trường Mỹ và được áp dụng mức thuế 0%. Tiếp đến là quyết định hủy bỏ vụ kiện chống trợ cấp của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đối với tôm Việt Nam. Hai quyết định này đã giúp con tôm Việt Nam thoát cảnh “một cổ hai tròng”, đồng thời mở ra cơ hội đối với xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này.
Còn đối với cá tra, giữa bộn bề khó khăn, Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” triển khai cuối tháng 8/2013 được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là “cái phao” cứu ngành cá tra… Nói về Dự án này, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ, đây có thể là giải pháp đáng hy vọng nhất để cứu ngành cá tra đang rất khủng hoảng.
Nhiều doanh nghiệp cá tra hướng đến sản xuất theo quy trình khép kín – Ảnh: An Đăng
Doanh nghiệp vẫn chật vật
Xuất khẩu tôm Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi giá tôm trên thị trường thế giới tăng, nguồn cung từ Thái Lan giảm mạnh do Hội chứng tôm chết sớm; và mới đây nhất là niềm vui “song hỉ” từ thị trường Mỹ. Đây là “thời điểm vàng” để tôm Việt Nam bứt phá. Nhưng nắm bắt được cơ hội hay không lại không hề đơn giản, bởi các DN chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam đang “đau đầu” vì thiếu nguyên liệu cho sản xuất khi hiện tượng thương lái mua tận thu tôm để bán sang Trung Quốc đang làm rối loạn thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Thuận, Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến của Công ty CP Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh (Khánh Hòa), cho hay: “Nhà máy chúng tôi có công suất 4.600 tấn thành phẩm/năm, doanh thu từ xuất khẩu khoảng 30 triệu USD/năm. Năm nay, chưa kịp vui vì thị trường xuất khẩu tôm ấm dần lên thì đã nhận một cú sốc lớn khi thương lái Trung Quốc ồ ạt đổ sang Việt Nam mua tôm nguyên liệu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà máy do thiếu nguyên liệu trầm trọng. Công ty đang phải đối mặt với việc bồi thường hợp đồng cho đối tác nếu không có tôm xuất khẩu”.
Tình hình cũng không mấy khả quan đối với các DN chế biến và xuất khẩu cá tra. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho biết, DN của ông đã tăng giá xuất khẩu thêm 20 cent/kg và ngưng ký hợp đồng cho đơn hàng tháng 10, kéo dài đến tháng 11/2013. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu. “Tập đoàn Hùng Vương mỗi ngày cần 20.000 tấn nguyên liệu nhưng hiện nay vùng nguyên liệu chỉ đáp ứng được 12.000 tấn”, ông Minh cho biết thêm.
Theo số liệu khảo sát, tại các địa phương ở ĐBSCL, từ nay đến quý 1/2014, sản lượng cá tra nguyên liệu sẽ giảm 40 – 50%. Như vậy, vào dịp cuối năm, ngay khi thị trường cần, giá cả thuận lợi thì DN và nông dân lại không có cơ hội hưởng lợi, chưa tính đến nguy cơ hàng loạt nhà máy phải ngưng hoạt động…
Ứng phó cách nào?
Ông Minh cho rằng, nếu DN thủy sản nào không có quy trình khép kín từ con giống, ao nuôi, thức ăn, chế biến và xuất khẩu sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới. Với cá tra, đến thời điểm này đã có nhiều DN đầu tư mạnh để xây dựng vùng nguyên liệu. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho hay, hiện tỉ lệ tự túc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của các DN chế biến và xuất khẩu cá tra đạt hơn 70% và xu hướng ngày càng tăng.
Trái lại, mặc dù mỗi năm xuất khẩu tôm đạt hàng tỷ USD, nhưng các DN chế biến xuất khẩu tôm dường như vẫn không chú trọng đẩy mạnh vùng nguyên liệu với nông dân mà vẫn chỉ mua “hớt ngọn”.
Khi đề cập đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Bang, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cửu Long (Trà Vinh) cho rằng, xưa nay chưa nghe DN nào nói tới việc bao tiêu sản phẩm cho người dân. Mỗi ngày, DN thu mua tôm nguyên liệu từ các thương lái, còn nông dân muốn bán cho ai thì bán. “Giờ chúng tôi chỉ ngồi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, can thiệp để hạn chế tình trạng tôm nguyên liệu “chảy” ra nước ngoài, nếu không cũng chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” thôi”, ông Bang than thở.
Thực tế là vậy, nhưng đến khi thương nhân Trung Quốc tham gia mua tôm nguyên liệu, DN lại kêu than, cần hỗ trợ. “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) cho biết, nhiều năm nay nghề nuôi tôm liên tục đối mặt với rủi ro vì dịch bệnh, giá bán bấp bênh. Tuy nhiên, không có DN nào đứng ra chia sẻ với nông dân những thất bại, rủi ro đó. Khi người nuôi tôm vào vụ, các DN cung ứng đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y… được phần lợi trước nhất. Đến khi thu hoạch, năng suất đạt cao thì DN tìm đủ cách ép giá; còn nếu tôm lỡ bị bệnh chết, nông dân mất trắng thì không ai gánh đỡ.
“Nhưng, khi có người khác vào tham gia thu mua với giá cao hơn, DN nội địa thiếu nguyên liệu thì họ la làng lên, kêu cứu khắp nơi. Sao họ không nghĩ tới việc bảo lãnh cho nông dân sản xuất để có nguyên liệu ổn định, thắng cùng hưởng, rủi ro cùng chia?” – ông Ngoãn bức xúc.
>> Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, DN muốn phát triển vững vàng và chủ động trong đàm phán giá cả với đối tác thì tất yếu phải xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời nên tìm hướng đi mới, trong đó cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chế biến sâu để thêm giá trị gia tăng. |