T2, 06/07/2020 09:59

Xuất khẩu Thủy sản năm 2012: Cơ hội lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO), thủy sản hiện đang là mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ mạnh nhất. Dự báo từ nay đến năm 2015, sức tiêu thụ mặt hàng này trên toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 0,8%/năm, tổng nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng khoảng 2,1%/năm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam tìm kiếm cơ hội.

Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO), thủy sản hiện đang là mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ mạnh nhất. Dự báo từ nay đến năm 2015, sức tiêu thụ mặt hàng này trên toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 0,8%/năm, tổng nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng khoảng 2,1%/năm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam tìm kiếm cơ hội.

Thủy sản nuôi “lên ngôi”

Nếu như năm 2011, nguồn cung thủy sản gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường thì theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong năm 2012, nguồn cung thủy sản thế giới có khả năng sẽ tiếp tục thiếu.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều kho lạnh của Thái Lan tập trung ở Thủ đô Bangkok và hầu hết đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoạt động trở lại. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới XK tôm của nước này trong năm 2012.

 

Năm 2012, ngành thủy sản có nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số nước XK tôm lớn khác như Trung Quốc, Indonesia cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giá lạnh, ảnh hưởng đến sản lượng tôm. Indonesia cũng đang đối mặt với dịch bệnh. Đồng thời, ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, nguồn cung tôm nội địa được dự báo sẽ thấp trong năm tới.

Về mặt hàng cá da trơn, trong năm 2011, lũ lụt ở Mississippi – một trong 4 bang nuôi cá da trơn – đã làm ảnh hưởng đến diện tích nuôi loài này ở Hoa Kỳ, giảm 39% so với năm 2010. Và theo dự báo, ở Việt Nam, tình hình thiếu cá tra nguyên liệu sẽ xảy ra trong năm 2012.

Trước tình hình trên, nuôi trồng thủy sản được cho là có tiềm năng lớn nhất trong tương lai và có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có chất lượng, an toàn.

Hiện thủy sản nuôi đang góp phần giảm nghèo và cải thiện an ninh lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản phát triển không đồng đều ở các khu vực. Châu Á-Thái Bình Dương được xem là khu vực có ảnh hưởng nhất về nuôi trồng thủy sản của thế giới. Trong số 15 nước nuôi trồng thủy sản đứng đầu thế giới, có 11 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một số nước dẫn đầu về sản lượng nuôi trồng một số loài chính như Trung Quốc dẫn đầu về cá chép; Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ chiếm ưu thế về tôm cỡ nhỏ và cỡ lớn; Na uy, Chilê dẫn đầu về sản xuất cá hồi…

Cơ hội còn để ngỏ

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, có nhiều cơ hội để các DN XK thủy sản đạt được mục tiêu kim ngạch 6,3-6,5 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra cho năm 2012. “Nếu các DN cố gắng duy trì số lượng XK vào các thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, đồng thời mở thêm các thị trường mới rất tiềm năng như Trung Quốc, Nga… thì mục tiêu đạt được không khó”, ông Quang khẳng định.

Theo kế hoạch, năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL lên khoảng 5.500 – 6.000ha, sản lượng ước đạt 1,2 – 1,5 triệu tấn, kim ngạch XK 1,85 – 2 tỷ USD…

Mục tiêu trên có thể đạt được, thậm chí có thể vượt xa, bởi thủy sản vốn là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu, nên ít chịu tác động từ khó khăn của tình hình kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, không nên nhìn sản lượng hay giá trị XK tăng mà nên nhìn vào hiệu quả. “Năm 2011, kim ngạch XK cá tra đạt hơn 1,8 tỷ USD, nhưng người Việt Nam hưởng bao nhiêu phần trăm trong đó? Chúng ta chưa đánh giá hiệu quả từng khâu như nuôi trồng, sản xuất chế biến, tiêu thụ… Từ năm 2012, chúng ta nên đánh giá dựa trên hiệu quả, chứ không nên đánh giá theo số lượng, kim ngạch XK”, ông Dũng nói.

Thực tế, câu hỏi mà ông Dũng đặt ra chính là vấn đề cần xử lý của ngành thủy sản hiện nay. Ai cũng biết trong chuỗi giá trị của ngành, con giống và thức ăn chiếm vai trò đặc biệt quan trọng. Thống kê cho thấy, chi phí thức ăn thủy sản chiếm tới gần 80% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, hiện nay, thị trường thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn thủy sản nói riêng đang chủ yếu tập trung trong tay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Công ty C.P-Việt Nam (Thái Lan), Uni-President Việt Nam (Đài Loan-Trung Quốc), Tom Boy (Pháp)… Điều đó phản ánh một thực tế là trong số 1,8 tỷ USD kim ngạch XK cá tra năm 2011, lợi nhuận thuộc về người nuôi và các DN chế biến XK chỉ chiếm rất ít, trong khi các DN thức ăn thủy sản và thuốc thú y được hưởng lợi lớn hơn cả.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, việc xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng cần được đẩy mạnh, hướng đến phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

Trần Trọng Triết

Theo Kinh Tế Nông Thôn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!