T3, 14/12/2021 04:45

Xuất khẩu tôm dự kiến cán đích 3,9 tỷ USD trong năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá trị xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10 và tháng 11 sau khi sụt giảm đáng kể trong quý III. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.

Trong tháng 11, giá trị xuất khẩu tôm đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP đưa ra dự báo, xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so năm 2021 nhờ những diễn biến khả quan ở các thị trường nhập khẩu.

Tại thị trường Mỹ, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 983,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Kỳ vọng xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Sản phẩm tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch COVID-19. Mặt khác, ngành thủy sản của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11. Khi nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ gặp khó sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia khác tăng thị phần tại thị trường này, trong đó có Việt Nam.

Tại EU, trong 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang khối này đạt 458 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi thế từ EVFTA cùng nhu cầu tiêu dùng trong khối EU với sản phẩm tôm chế biến tăng, đã tạo lực đẩy cho xuất khẩu tôm.

Còn lại, các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam thời gian qua là: Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

Dù có nhiều kết quả khả quan nhưng việc xuất khẩu tôm còn phải đối mặt với những rào cản nhất định. Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện có 416 cơ sở chế biến tôm được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và trong Danh sách xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách và lô hàng được cấp Giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Trong năm nay, có 53 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, trong đó đáng chú ý là cảnh bảo về các chỉ tiêu phosphate 25 lô (chiếm 47%), dịch bệnh 13 lô (chiếm 24,5%), vi sinh 5 lô (chiếm 9,4%), kim loại nặng 1 lô (chiếm 1,88%), ghi nhãn 1 lô (chiếm 1,88%). Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô (chiếm 15,1%) giảm so với ttỷ lệ cảnh báo năm 2020 đối với nhóm chỉ tiêu này (10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28,3% tổng số lô hàng bị cảnh báo).

Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản cho biết, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm (Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Chlormphenicol,…) trong nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.

Hơn nữa, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do chi phí nuôi ở mức cao: Thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất; chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện.

M.H

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!