Ngày 25/6, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc gia Pukyong Hàn Quốc, Công ty KBOR (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức Hội thảo báo cáo sơ bộ việc nuôi thử nghiệm cá rô phi trong ao tại TP Cần Thơ, đồng thời thảo luận về giải pháp xúc tiến canh tác và kinh doanh thương phẩm cá rô phi tại ĐBSCL.
Cá rô phi là một trong những sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, được nhập khẩu nhiều vào Mỹ, Mexico, Nga, châu Âu và một số quốc gia khác. Đây là đối tượng nuôi tiềm năng do kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thấp. Diện tích vùng nuôi lớn, nguồn nước thích hợp, có thể kết hợp với các đối tượng nuôi khác giúp đa dạng mô hình nuôi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn giống cá rô phi không đảm bảo, chất lượng con giống lẫn cá bố mẹ thấp. Người nuôi thiếu chi phí đầu tư, giá thành đầu ra thấp và không ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Để nghiên cứu phát triển nghề nuôi cá rô phi thương phẩm, Trường Đại học Cần Thơ đang phối hợp với Công ty KBOR (Hàn Quốc) triển khai mô hình cá rô phi trong ao và vèo tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) với kết quả bước đầu khá khả quan.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, ĐBSCL có nhiều điều kiện để nuôi cá rô phi thương phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, ngày 9/10/2014, Tổng cục Thủy sản đã có Quyết định số 2714/TCTS-NTTS “Về nuôi và sản xuất giống cá rô phi” nhằm khuyến khích phát triển đối tượng nuôi này. Để phát triển ngành hàng cá rô phi, các chuyên gia đề xuất các giải pháp về tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương. Các địa phương cần làm tốt công tác khuyến ngư, tái cấu trúc và qui hoạch đất, vùng nuôi trồng thủy sản trong đó có đối tượng nuôi là cá rô phi. Song song đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ cá rô phi trên cơ sở tăng cường chức năng và nhiệm vụ của các hiệp hội nuôi trồng thủy sản và các bên có liên quan.