(TSVN) – Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên tôm như hiện nay, việc ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngày một phát triển và nhân rộng, điển hình là quy trình nuôi 3 giai đoạn.
Nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giúp kiểm soát dịch bệnh. Vậy, yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn là gì? Cùng TSVN tìm hiểu những vấn đề dưới đây nhé!
Yêu cầu kỹ thuật ao ương tôm thẻ chân trắng giai đoạn 1:
Ao có hình tròn hoặc hình chữ nhật, diện tích khoảng 50 – 100 m2. Ao được lót bạt HDPE toàn bộ, có mái che. Mỗi ao lắp 1 máy sục khí có công suất 3 kW.
Yêu cầu kỹ thuật ao nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn 2:
Ao nuôi tôm thẻ chân trắng có thể là hình tròn hoặc hình chữ nhật, diện tích khoảng 200 – 250 m2, có mái che. Bờ ao phải cao hơn mức nước cao nhất trong ao từ 0,3 – 0,5 m. Bờ ao đủ rộng (> 2 m) để làm đường đi lại, lắp hệ thống điện, đặt động cơ của máy quạt nước. Bờ ao được gia cố bằng bê tông hoặc lót bạt HDPE (độ dày 0,76 – 1 mm).
Ao nổi hoặc chìm, được lót bạt HDPE toàn bộ. Rốn ao được thiết kế ở giữa ao và có hệ thống ống dẫn xiphong chất thải ở giữa ao và dẫn ra ao chứa bùn. Mỗi ao cần được bố trí 1 máy sục khí công suất 2,5 kW, 1 quạt nước có 8 – 12 cánh, công suất 2,5 kW.
Yêu cầu kỹ thuật ao nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn 3:
Diện tích ao nuôi 500 – 1.500 m2. Thiết kế ao tương tự giai đoạn 2. Mỗi ao được bố trí 1 máy sục khí công suất 3,5 kW, 2 giàn quạt công suất 3,5 kW, 12 – 14 cánh/giàn.
Ao chứa bùn: Dùng để chứa bùn thải từ các ao nuôi xiphong ra. Chất thải được để lắng 2 – 5 ngày, sau khi bùn chìm xuống, thì bơm nước cùng chất hữu cơ lơ lửng về ao lắng thô (ao thả cá rô phi) để cá rô phi xử lý chất hữu cơ lơ lửng.
Ao lắng thô: Nước được lấy từ kênh cấp vào ao lắng, lọc qua hệ thống lọc ngầm ở giữa ao. Tại đây, cá rô phi nuôi với mật độ 3 – 5 con/m2, cỡ cá ≤ 50 g/con để xử lý nước ao nuôi nhằm tái sử dụng nguồn nước. Ao lắng thô là ao đất được khử trùng, diệt tạp.
Ao xử lý: Được dùng để xử lý các chất hữu cơ, mầm bệnh. Ao được thiết kế cho nước chảy theo đường zíc zắc từ đầu đến cuối ao. Tại ao này, nước được xử lý bằng các loại hóa chất nhằm lắng tụ các chất hữu cơ và diệt mầm bệnh.
Ao sẵn sàng: Mục đích để chứa nước đã sạch mầm bệnh và đã được điều chỉnh chất lượng đạt các chỉ tiêu quy định trong QCVN 02-19:2014/BNNPTNT về nước dùng cho nuôi TTCT, trước khi cấp vào ao nuôi. Ao sẵn sàng nên đặt ở vị trí gần ao xử lý nước và các ao nuôi. Ao sẵn sàng được bố trí 1 hệ thống giàn quạt với 12 – 14 cánh, công suất 2,5 kW.
Nước được lấy từ kênh cấp chung qua bể lọc ngầm ở đáy ao vào ao lắng thô để lắng 1 đến 2 ngày. Sau đó được bơm sang ao xử lý. Tại đường zíc zắc đầu nguồn nước được xử lý bằng PAC (Poly Aluminum Chloride) với nồng độ 5 ppm và thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 4 – 5 ppm.
Tiếp đó nước được xử lý bằng TCCA với nồng độ 5 ppm và Chlorine 15 ppm trước khi cho sang ao sẵn sàng. Tại đây, nước được bổ sung khoáng chất, kiềm và điều chỉnh pH. Khi đạt tiêu chuẩn thì cấp vào ao nuôi ở mức 1 – 1,2 m.
Tôm giống cỡ PL12 trở lên, chiều dài 9 – 11 mm. Tôm giống khỏe mạnh, đồng đều, nhanh nhẹn, không dị tật, dị hình. Tôm giống được mua từ trại giống có đủ điều kiện theo quy định của Bộ NN&PTNT và đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN 10257:2014.
Tôm giống sau khi đưa về cơ sở nuôi được cân bằng nhiệt độ với ao ương, trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút, rồi mới thả tôm. Nên thả tôm giống vào buổi sáng (từ 6 – 8 h) hoặc vào chiều mát (từ 16 – 17 h). Mật độ ương 2.000 – 4.000 con/m2.
Gây floc ở ao ương: Sử dụng 180 l nước ngọt sạch, cám gạo 2 kg, 2 kg thức ăn tôm số 0 (43% protein), 5 kg mật rỉ đường, 1 kg muối ăn và 500 g chế phẩm sinh học có thành phần gồm Bacillus subtilis 108 CFU/kg, Bacillis licheniformis 108 CFU/kg, Bacillus megaterium 108 CFU/kg, Bacillus polymyxa 108 CFU/kg. Sục khí liên tục 1 – 2 ngày, sau đó thì tạt đều xuống ao. Bổ sung liên tục trong 5 ngày đầu, bật quạt nước và sủi liên tục để tạo biofloc. Lượng mật rỉ đường và chế phẩm sinh học được điều chỉnh theo lượng thức ăn để đạt được tỷ lệ C/N là ≥ 12/1.
Trong tuần đầu tiên, tôm được cho ăn 8 lần/ngày bằng thức ăn số 0, 1. Tuần sau đó, tôm được cho ăn bằng thức ăn số 1, hàm lượng đạm đạt ít nhất 43%, với tần suất 7 bữa/ngày và giảm xuống còn 6 bữa/ngày ở tuần 3. Đồng thời gây biofloc để làm thức ăn cho tôm. Hàng ngày theo dõi và kiểm soát thức ăn, theo dõi hàm lượng floc, các dấu hiệu bất thường của tôm để có biện pháp xử lý phù hợp.
Thời gian ương từ 25 – 30 ngày, đến khi tôm giống đạt cỡ 1.500 – 2.000 con/kg thì tiến hành chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2.
Tôm được nuôi với mật độ nuôi 350 – 800 con/m2. Trước khi thả tôm từ 5 – 7 ngày cần tiến hành gây floc tương tự như ở giai đoạn 1. Tuần đầu, tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao (> 42% protein), cỡ số 1; đồng thời gây floc ở ao nuôi. Từ thứ tuần 2 trở đi, tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp với các cỡ phù hợp với ngày tuổi của tôm.
Tôm nuôi bằng công nghệ semi biofloc với mật độ 150 – 250 con/m². Thời gian nuôi 30 – 60 ngày. Gây biofloc tương tự như ao nuôi giai đoạn 2. Tôm được cho ăn 4 bữa/ngày, căn cứ vào ngày tuổi và sức ăn thực tế để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Hàng ngày kiểm tra chất lượng nước, dấu hiệu bệnh của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn. Mỗi ngày thay khoảng 15 – 20% lượng nước trong ao.
Ao nuôi được làm cạn 50% lượng nước, dùng lưới quét kéo và thu tôm. Sau khi thu tôm xong thì xả lượng nước còn lại ra ao chứa bùn. Tại ao chứa bùn, nước được để lắng. Sau đó phần chất hữu cơ lơ lửng hòa tan trong nước được bơm sang ao lắng thô để cá rô phi xử lý để tái sử dụng cho vụ nuôi tiếp theo.
Thu Hằng
Cho mình xin bản vẽ hay sơ đồ mặt bằng bố trí các ao, đảm bảo an toàn sinh học , đang tìm hiểu nuôi tôm
Bây giời mà vẫn xử lý nước bằng PAC, thuốc tím thì ô nhiễm môi trường lắm tác giả. Có phương pháp khác dùng siêu âm điện hóa xử lý tốt hơn nhiều