Bài học tầm nhìn hướng biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo ông Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, ngành thủy sản cần phải đột phá nhiều hơn nữa. Những câu chuyện với các chuyên gia ngành thủy sản đem lại góc nhìn “hướng ra biển”.

Bài học về tầm nhìn xa

Ông Nguyễn Hồng Cẩn trao đổi về tầm nhìn hướng biển

Ông Nguyễn Hồng Cẩn nói: Ngay từ khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách xây dựng ngành thủy sản, nhất là quản lý khai thác Biển Đông. Từ khi đó vấn đề kinh tế biển đã được đặt lên hàng đầu. Tầm nhìn xa đó đến hôm nay vẫn còn là bài học.

Tại một buổi hội thảo ở ĐBSCL, một nhóm chuyên gia châu Âu đã đưa ra “bức tranh” phát triển tổng thể tương lai ĐBSCL. Bức tranh có vẻ hoàn mỹ, với tổng thể kinh tế có vẻ khép kín, hiện đại, bền vững. Nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã nhận ngay ra khiếm khuyết “chí tử”: “Bức tranh” này chỉ bao gồm sự phát triển kinh tế thủy sản trên đất liền. Một câu hỏi đặt ra: “Vậy kinh tế biển của ĐBSCL nằm ở đâu?”. Nhóm chuyên gia kể trên không trả lời được.

Với người Việt, kinh tế thủy sản phải gắn với kinh tế biển. Người Việt có từ biển cả, chữ cả trong ngôn ngữ Việt cổ có nghĩa là mẹ, người nuôi sống chúng ta.

Trong một buổi làm việc với ngành thủy sản TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được  biết: Trước kia TP Hồ Chí Minh có đội tàu đánh bắt xa bờ rất đông, nhưng từ khi việc đánh bắt không còn hiệu quả bằng đầu tư trong đất liền, các doanh nghiệp đã bỏ biển chuyển vào bờ làm ăn. Ngay cả nhiều nhà kinh tế Việt Nam cũng “quên” mũi nhọn kinh tế biển, để đi vào các lĩnh vực kinh doanh đất đai, tài chính, cổ phiếu…, bỏ lại biển cho dân nghèo, với lượng tàu thuyền đánh cá có công suất dưới 90 CV chiếm hơn 90% tổng số tàu thuyền đánh cá cả nước.

 

Chia sẻ với đất liền

Về tương lai ngành thủy sản ven bờ, hầu hết những chuyên gia thủy sản nước ngoài tại Việt Nam đều cảnh báo: “Ô nhiễm môi trường”.

Những năm gần đây, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng phi mã. Hơn 600.000 ha nuôi tôm, ước tính mỗi năm ngành NTTS xả ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Các vùng đất ven biển, trong đó không ít là diện tích phù sa, đã thoái hóa. Khoảng 3,2 triệu ha đất đồng bằng và ven biển đã và đang bị thoái hóa.

Nhiều người nói “Việt Nam có ưu thế bờ biển dài, thuận lợi nuôi trồng thủy hải sản”. Nhưng không ít bạn nước ngoài lại nói: “Nhiều nước phát triển cũng có bờ biển dài không kém Việt Nam, sao họ không phát triển nuôi trồng?”.

Một kỹ sư Pháp có 15 năm trong ngành thủy sản trả lời đơn giản: “Đánh bắt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, quan trọng hơn là nó không gây ra nhiều ô nhiễm môi trường”. Một kỹ sư Đài Loan đã mười mấy năm làm việc ở Việt Nam và Đài Loan nói thẳng: “Chúng tôi tính toán thấy chi phí cải tạo môi trường quá lớn nếu phát triển nuôi trồng ồ ạt ven bờ. Những năm gần đây diện tích nuôi trồng thủy sản của Đài Loan không tăng đáng kể”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nói: “Vấn đề không phải nuôi trồng được bao nhiêu, sản lượng ra sao, mà ở chỗ hiệu quả thế nào”. Đó là hiệu quả đối với cả nền kinh tế, đối với sức khỏe, đời sống hàng chục triệu dân ven biển.

Một giám đốc công ty thủy sản Pháp bức xúc: “Các nhà báo thường quan tâm sản lượng xuất khẩu bao nhiêu chứ ít hỏi đời sống công nhân năm nay có khó hơn năm ngoái không”. Theo ông, Việt Nam nên quan tâm phát triển bền vững, nuôi ít mà lãi nhiều hay nuôi nhiều mà lãi ít? 

Không ít người đã đặt ra bài toán hiệu quả nuôi trồng. Khi không làm chủ được ba vấn đề then chốt của đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc) thì việc NTTS khó đạt hiệu quả như mong muốn.

“Vua tôm” Sáu Ngoãn nói: “Giá đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận thực đối với nền kinh tế và người dân không được như ý”. Ông thường xuyên tìm cách giảm chi phí đầu vào. Nỗi lo nhất của ông là ô nhiễm môi trường và sự trục lợi của nhà sản xuất, “thậm chí có đại lý bán cả thuốc giả cho nông dân khiến nông dân điêu đứng”. Ông duy trì cách nuôi tôm mang tính quảng canh, gần gũi thiên nhiên, tốn ít giống và thức ăn. Tôm ông nuôi thời gian dài, đạt trọng lượng lớn, bán được giá cao. Có người chê ông “nuôi tôm không khác đánh bắt tôm trong tự nhiên”; ông chỉ cười: “Tôi được gọi là vua nuôi tôm nhưng chưa bao giờ phải vay tiền ngân hàng”.

 

Hướng ra biển lớn

NTTS trong bờ, trong các ao hồ những năm qua tăng nhanh, nhưng như thế không có nghĩa nguồn cá tôm tự nhiên được bảo vệ, tích trữ. Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, so với những năm 2000, nguồn lợi cá đáy và gần đáy ở biển Việt Nam  đã giảm mạnh, nhất là ở Đông và Tây Nam bộ.

Khai thác thủy sản ven bờ gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản – Ảnh: Huy Hùng

Một số chuyên gia cho rằng việc khai thác manh mún, tiêu thụ cá do các đầu nậu thâu tóm đã khiến giá tiêu thụ rất thấp. Ngư dân Trường Sa, Lý Sơn than, hiệu quả đánh bắt không còn như trước. “Trước đây mỗi lao động kéo 1 – 2 mẻ lưới/ngày, nay phải kéo 5 – 7 mẻ lưới/ngày mới đủ tiền dầu, tiền công”.

Chủ một công ty nước mắm Phú Quốc nói, ngư dân đã bán cá cơm cho thương lái Trung Quốc trên biển do được giá hơn đem vào bờ, khiến doanh nghiệp nước mắm lao đao. Doanh nghiệp nước ngoài mua với giá cao hơn bởi họ có quy trình xử lý khép kín hiện đại ngay trên biển.

Ông Nguyễn Hồng Cẩn kể: “Ngay từ những năm 1990, chúng tôi đã được thấy những tổ hợp sản xuất, chế biến ngay trên tàu đánh bắt của các nước tiên tiến. Họ cho ra sản phẩm ngay trên biển khơi”. Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng kể: Đoàn tàu đánh bắt của Nhật hàng trăm chiếc, vừa đánh bắt vừa chế biến luôn, không manh mún như ta. Theo ông Cẩn, không thể phát triển đánh bắt mà không hiện đại khâu hậu cần. 

Thời gian qua, không ít ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, nhưng thật ra đó chưa phải đầu tư cho tàu hậu cần. Tàu ta có thể đi xa hơn để đánh bắt cá, nhưng điều này chỉ đồng nghĩa việc chi phí xăng dầu nhiều hơn. Khi có biến động giá, tàu càng lớn càng ít hiệu quả. Một số cảng được xây, chủ yếu để tránh bão, vai trò sản xuất, tiêu thụ không đáng kể. 

Dịch vụ hậu cần đánh bắt cá không thể xây dựng theo kiểu bao cấp như trước. Nó cần có sự liên kết giữa các nhà xuất khẩu, tiêu thụ nội địa với ngư dân đi biển. Nhà máy chế biến phải vươn tay ra biển, thay vì ngồi chờ đầu nậu gom tôm cá từ chợ ven biển đem về. “Cần có những khu liên hợp mua hải sản sơ chế, thậm chí sản xuất, đóng gói ngay trên biển. Phải tạo thị trường ngay trên biển. Đó là cách thức khai thác, chế biến, tiêu thụ phổ biến trên thế giới hiện nay. Cách thức này giúp giá trị sản phẩm tăng cao”, ông Nguyễn Hồng Cẩn nói, “mỗi ngư trường cần có những trung tâm hậu cần nghề cá hiện đại”.

>> Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Hồng Cẩn, cả trước mắt lẫn lâu dài, ngành thủy sản không thể xao nhãng tầm nhìn chiến lược biển; phải khai thác và bảo tồn biển hiệu quả hơn nữa; đầu tiên phải tập trung hiện đại hóa khâu hậu cần nghề đánh bắt.  

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!