Bảo tồn và phát triển cá trà sóc

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá trà sóc là loài quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, được xếp vào danh sách các loài cá sông quan trọng ở hạ lưu sông Mê Kông và cần được bảo vệ.

Đặc điểm sinh học

Cá trà sóc có 3 loài thuộc giống Probarbus (P.jullieni, P.labeaminor, P.sp); thân thon dài, hơi dẹp bên. Đầu rộng, mõm tròn, mắt có màu đỏ, kích thước trung bình, hơi lệch lên phía trên của đầu. Có 2 đôi râu, râu hàm dài bằng đường kính mắt, râu mõm ngắn hơn. Vảy to, đường bên liên tục, thẳng, chấm dứt ở giữa cuống đuôi. Mặt lưng có màu nâu nhạt, bụng trắng. Trên thân có 6, 7 sọc đen chạy dọc từ sau nắp mang đến gốc vây đuôi. Vây đuôi xám nhạt, các vây khác màu hồng nhạt. Cá có kích thước lớn, có thể đạt chiều dài 150 cm và cân nặng 70 kg. Cá phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia và ở các sông lớn ở miền Nam, Việt Nam như thượng lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn, sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ Tây.

Ngoài tự nhiên, cá sống ở các sông lớn, nước chảy mạnh với nền đáy cát hay sỏi, có nhiều động vật thân mềm sinh sống. Thức ăn của cá chủ yếu là thực vật thủy sinh và động vật không xương sống bao gồm nhuyễn thể, cua, côn trùng, ấu trùng và cả phiêu sinh động vật… Cá có tập tính kiếm ăn vào ban đêm.

Vào mùa sinh sản, cá trưởng thành di cư ngược dòng lên bãi đẻ. Thời gian sinh sản từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Cá thường tập trung thành đàn trên bãi đẻ, đẻ trứng về đêm. Trứng và cá con trôi theo dòng nước đến nơi kiếm mồi thường là đáy cát nước nông gần bờ. Khi mùa mưa đến, cá non di cư tích cực đến các vùng ngập và kiếm ăn ở đó trong suốt mùa mưa. Khi nước rút cá trở lại dòng chính để trú ẩn.

 

Tiềm năng phát triển

Năm 2013, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ tiến hành thực hiện đề tài cấp nhà nước “Thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá trà sóc”. Đề tài đã lựa chọn được 102 cá bố mẹ (có khối lượng > 2 kg/con) từ các ngư dân, hộ nuôi cá cảnh. Cá bố mẹ được nuôi dưỡng bằng thức ăn viên có hàm lượng đạm > 30% và bổ sung dầu mực, vitamin, khoáng. Sau thời gian nuôi vỗ 7 – 8 tháng, cá bố mẹ được kích thích sinh sản bằng phương pháp tiêm chất kích thích bao gồm não thùy cá, HCG (human chorionic gonadotropin), hoặc LH-RHa (luteinising hormone – releasing hormone analogue) và DOM (domperidone). Sau khi tiêm 6 – 7 giờ, cá cái rụng trứng, tỷ lệ rụng trứng đạt 67 – 100%. Trứng thụ tinh được khử dính và ấp trong bể composite ở nhiệt độ 27 – 290C, thời gian phát triển từ phôi đến nở thành cá bột là 47 giờ, từ cá bột ương lên cá giống là 60 ngày, cá giống đạt khối lượng > 5 g/con. Thành công của đề tài đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn một nguồn gen cá quý của sông Mê Kông và khai thác chúng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Cá trà sóc là loài có kích thước lớn, thịt ngon, có giá trị kinh tế cao. Đây là đối tượng nuôi rất kinh tế của nhiều quốc gia, hiện nay do việc khai thác quá mức đã làm cho loài này ngày càng giảm. Với thành công nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, cá trà sóc đang là đối tượng nuôi tiềm năng mang lại lợi nhận cao cho khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất để phát triển loài cá này là chưa được xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm. Đây là vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới.

>> Cá trà sóc được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) và Danh Mục Đỏ của IUCN năm 1994. Việc hoàn thiện quy trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống và nuôi thương phẩm loài cá này giúp giảm áp lực khai thác tự nhiên.

Nhật Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!