EU dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Đài Loan

Chưa có đánh giá về bài viết

EU đã công nhận các cải thiện của Đài Loan triển khai trong 3,5 năm qua để giải quyết vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, ngày 28/6/2019, EU đã dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với Đài Loan, đây là một bước biến chuyển lớn trong các hệ thống quản lý và pháp lý thủy sản nhằm chống lại khai thác IUU tại Đài Loan.

Chiếc thuyền Shuen De Ching số 888 bị nghi ngờ đánh bắt cá bất hợp pháp (Ảnh: Paul Hilton/Greenpeace)

Karmenu Vella, Ủy viên các vấn đề môi trường, nghề cá và hàng hải cho biết: “Tôi hoan nghênh những nỗ lực đáng kể của Đài Loan nhằm cải cách khung pháp lý ngành thủy sản, triển khai các công cụ kiểm soát mới và cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản. Cuộc đối thoại của EU với Đài Loan cho thấy, hợp tác quốc tế là động lực chính hướng tới quản lý biển tốt hơn”.

EU cam kết đấu tranh trong cuộc chiến chống IUU và hiện đang làm việc với hàng loạt các quốc gia để chấm dứt tình trạng này. Sau khi ban hành thẻ hàng vào tháng ngày 1/10/2015, Ủy ban châu Âu, đại diện cho EU và Đài Loan đã tham gia các hợp tác và đối thoại sâu sắc trong 3,5 năm để giải quyết vấn đề.

Kết quả của hợp tác này là các nhà chức trách Đài Loan hiện có một loạt các công cụ hiện đại và hiệu quả để chống lại khai thác IUU. Đây là một bước tiến lớn vì đội tàu khai thác thủy sản xa bờ của Đài Loan lớn thứ 2 thế giới và đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản biển. Đài Loan cũng đã tăng cường áp đặt các nghĩa vụ đối với những nhà khai thác thủy sản gắn cờ nước thứ ba.

Để tiếp tục những thành tựu này, Ủy ban châu Âu đề xuất thành lập một nhóm hợp tác IUU Working Group. Diễn đàn này sẽ cho phép cả hai bên duy trì một quan hệ hợp tác chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống lại khai thác IUU, bao gồm ở phạm vi đa quốc gia, khu vực và tiểu khu vực. Ngoài ra, EU và Đài Loan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến điều kiện lao động ngành khai thác thủy sản trong khuôn khổ các cuộc tham vấn nhân quyền của họ.

Đài Loan bắt đầu phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá xa bờ vào những năm 1970  Ảnh: Nspp.mofa

Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho biết, Hội đồng đã đưa ra các biện pháp bao gồm: Thúc đẩy các quy định của 3 luật thủy sản đại dương sâu; cải thiện hệ thống giám sát và kiểm soát nhắm vào nghề cá biển sâu, như lắp đặt nhật ký đánh cá điện tử, ra mắt trung tâm giám sát tàu đánh cá 24/7 và thiết lập một cơ sở dữ liệu nghề cá đại dương. Hội đồng đã hợp tác với các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan về nghề cá để giải quyết việc đánh bắt cá IUU, cũng như cải thiện việc tuân thủ các thông số pháp lý được xác định bởi các tổ chức quốc tế.

Cả Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen và Thủ tướng Su Tseng-chang đã lên Facebook để thông báo cho công chúng về tin tức này. Trong đó, Tổng thống Tsai Ing-wen viết: “Chúng tôi đã thành công trong việc bảo vệ xuất khẩu thủy sản, có giá trị hàng năm hơn 40 tỷ Đài tệ (1,29 tỷ USD).

Thẻ vàng đã khiến cho quốc gia đánh bắt cá biển sâu của quốc gia này bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, gây ức chế sự tăng trưởng. Một số công ty thương mại quốc tế đã miễm cưỡng mua hải sản Đài Loan vì lo ngại rằng Đài Loan có thể bị cấp “thẻ đỏ”, khiến ngành công nghiệp đánh cá suy sụp. “Rất may, thông qua những nỗ lực hợp tác của ngư dân, hiệp hội nghề cá, đoàn thể, nhà xuất khẩu và chính phủ, việc quản lý các hoạt động đánh bắt của Đài Loan đã liên tục được cải thiện”, Tổng thống viết.

Nam Hồng

Taipeitimes, Fis

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!