Giàu nhờ sứa

Chưa có đánh giá về bài viết

Sứa làm chật đại dương và bị coi là loài xâm lấn đáng ghét, nhưng ở thành phố cảng Darien, bang Georgia, Mỹ, sứa giúp người dân nơi đây đổi đời.

Tàu khai thác tôm biển có lưới kéo dài 73 foot của Thornell King, mang tên Kim-Sea-King oằn mình vượt qua khu bùn lầy sông Darien, băng qua ánh đèn xanh đỏ của ngọn hải đăng khổng lồ đảo Sapelo ra Đại Tây Dương. Tàu tiến xa 5 dặm ngoài khơi để khai thác sứa có hình dáng tròn như trái bưởi với lớp màng ngoài mịn và dày – sứa cannonball. Ngư dân trong vùng thường gọi là sứa quả bóng.

King chia sẻ, với tôi, sứa bóng là loài có giá trị kinh tế rất cao. King phục vụ trong quân đội 20 năm. Xuất ngũ, ông trở thành ngư dân chuyên khai thác sứa. Vụ sứa trước bội thu, King và các thuyền viên đánh bắt được trên 5 triệu tấn sứa cannonball. King cho biết, giá sứa năm nay 7 cent/pound, cả vụ sứa King thu được 350.000 USD. Theo King, hiện Georgia đang có 10 tàu được cấp phép khai thác sứa.

King sửa lại lưới trước khi ra khơi

Hoạt động khai thác sứa thương phẩm bắt đầu diễn ra ở vùng vịnh Florida đầu những năm 1990. Kể từ đó thành phố biển Darien, Georgia trở thành cái nôi của ngành công nghiệp khai thác sứa biển thương phẩm. Năm 1998, DNR bắt đầu cấp giấy phép khai thác sứa ở một số khu vực nhất định, nhằm đưa hoạt động khai thác sứa biển vào khuôn khổ quản lý.

Golden Island là nhà máy chế biến sứa được cấp phép đầu tiên ở Darien. Nhà máy này có 6 tàu khai thác, trong đó có 3 tàu do King quản lý. Vào mùa cao điểm từ tháng 11 tới tháng 5, King phải huy động thêm 150 nhân công mới kịp tiến độ công việc.

Chế biến sứa tại Nhà máy Golden Island

Tại nhà máy chế biến Golden Island, sứa được sấy khô và vận chuyển tới Trung Quốc, Nhật Bản. Người Nhật thường cắt nhỏ sứa thành miếng dài mỏng, trộn salad với bắp cải và sốt teriyaki. Còn ở Trung Quốc, sứa là món ăn rất phổ biến và được yêu thích không kém món ốc vòi voi thượng hạng. Thực khách Trung Quốc đánh giá sứa Georgia dai và ngọt như ốc vòi voi vùng tây bắc Thái Bình Dương.

Sứa được sấy khô vận chuyển sang thị trường châu Á

Nhìn chung, thị trường châu Á đều ưa thích loại hải sản đặc biệt này. Khi khí hậu biến đổi, hệ thống nông nghiệp toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức từ dịch bệnh, chúng ta có thể không còn lựa chọn nào khác là phải ăn những thực phẩm có ý nghĩa về phương diện sinh thái, hay nói cách khác là ăn những sinh vật phát triển thịnh vượng trong điều kiện môi trường sống biến đổi, King cho biết. Sứa biển đang sinh sôi nảy nở trong điều kiện đó, tỷ lệ trao đổi chất thấp và chúng có thể ăn tất cả mọi thứ, sinh sống cực tốt trong điều kiện môi trường bất lợi do biến đổi khí hậu suốt thập kỷ qua. King nhận ra điều đó và nhìn thấy tiềm năng của ngành công nghiệp sứa Georgia. Hơn nữa, người Mỹ không thích ăn sứa, chúng giống như côn trùng. Nhưng thị trường châu Á lại không từ chối món ăn này, nguồn lợi sứa châu Á cũng đang suy kiệt do bị khai thác quá mức. Chắc chắn trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà máy chế biến sứa mọc lên ở Georgia, đưa thành phố biển này trở thành “vựa sứa” của toàn thế giới.

>> Theo số liệu của Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), sản lượng sứa biển năm 2011 đạt 2.152 tấn, trị giá 301.000 USD. Cơ quan bảo tồn nguồn lợi tự nhiên bang Georgia (DNR) vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác nguồn lợi sứa nơi đây, chỉ biết, số lượng sứa khá lớn, được xếp thứ 3 sau tôm và cua.

Minh Thanh

Justin Nobel

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!