“Làm mới” ngành cá tra: Đầu tư vào nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu tư về con giống

Năm 2018, Viện Nghiên cứu NTTS II (Viện II) đã cung cấp 5.320 con cá hậu bị nhằm bổ sung, thay thế dần đàn cá bố mẹ hiện có bằng đàn cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, fillet và kháng bệnh. Hiện nay, Viện II tiến hành thử nghiệm mô hình “ương 2 giai đoạn trong bể lót bạt” tại trại Bình Thạnh cơ sở 2 (thuộc Trung tâm Giống thủy sản An Giang), hoàn thiện quy trình ương cá tra giống nâng cao tỷ lệ sống, cải thiện chất lượng con giống.

Là một trong những địa phương trọng điểm vùng ĐBSCL có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất cá tra giống, thời gian qua, An Giang đã nỗ lực mời gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư các dự án thành phần của “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”. Trong đó, Tập đoàn Việt – Úc, đang đầu tư dự án Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với quy mô 100 ha tại xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu). Tập đoàn đã xây dựng Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với 18 nhà màng và Khu lưu giữ cá bố mẹ chọn giống (hiện có 3.000 cá bố mẹ). Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn, tại khu sản xuất này đang có 1.000 con cá tra bố mẹ G1. Nguồn cá bố mẹ này đã được lấy mẫu ADN gửi qua Viện CSIRO (Australia) để kiểm tra, con nào không đủ các tiêu chuẩn đã được lọc ra. Từ 1.000 con cá tra bố mẹ G1 này sẽ sản xuất khoảng 2 tỷ con cá bột/năm, cung ứng cho thị trường được khoảng 200 triệu con cá giống/năm (loại 30 con/kg).

Giá cá tra nguyên liệu và cá giống

Điển hình nhất là Công ty CP Vĩnh Hoàn, đầu năm 2019, Vĩnh Hoàn khởi động dự án sản xuất giống cá tra tại cồn Vĩnh Hòa, An Giang. Thực tế, Vĩnh Hoàn hiện chưa thể tự cung 100% nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, mà buộc phải hợp tác, thu mua từ các đối tác (hộ nuôi) khác từ 30 – 40% tổng sản lượng; điều này có thể kéo giảm biên lợi nhuận sản phẩm, chưa kể rủi ro phát sinh. Đại diện Công ty cho biết, con giống sẽ là yếu tố then chốt cho tính cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả sản xuất cho Công ty; tự chủ về con giống sẽ giúp giải quyết được thách thức kỹ thuật trên thị trường, đặc biệt là kiểm soát dư lượng kháng sinh, thuốc cấm trên sản phẩm. 

 

Đến chủ động nguyên liệu

Nhu cầu về nguyên liệu cá tra để sản xuất rất lớn và phức tạp, mỗi thị trường xuất khẩu đều có yêu cầu riêng về size cỡ và tiêu chuẩn; do đó, lợi thế cạnh tranh sẽ giảm nếu doanh nghiệp nào phải thu mua cá nguyên liệu từ các đơn vị bên ngoài. Ví dụ như: thị trường Mỹ luôn có nhu cầu với cá tra từ 700 g – 1,2 kg/con thì khu vực châu Âu lại thích size cá nhỏ hơn, chỉ từ 500 – 800 g/con; còn thị trường Trung Quốc lại ưa chuộng loại cá tra “khổng lồ” từ 1,2 – 2 kg/con…

Việc chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả sản xuất và đẩy mạnh khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ghi nhận tại Đồng Tháp, đến nay, toàn tỉnh đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện việc cấp mã số nhận diện nuôi cá tra thương phẩm có nhiều thuận lợi; cách làm này khuyến khích cơ sở nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và chứng chỉ quốc tế phù hợp trong nuôi cá tra thương phẩm.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!