Những hứa hẹn từ EVFTA

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước những khó khăn từ hầu khắp các thị trường, EVFTA được coi là giải pháp cứu cánh cho ngành thủy sản Việt Nam. Mặc dù vậy, bên cạnh nhiều hứa hẹn là những thách thức buộc phải vượt qua nếu muốn đi tiếp.

Nhu cầu hải sản cao

Mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn phải chịu mức thuế lên đến 10,8%; việc xóa bỏ thuế quan đối với mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU. Do đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tìm lại được vị thế tại EU và phía EU cũng sẽ nối lại được nguồn cung chất lượng và giá cả hợp lý từ Việt Nam.

Đối với mặt hàng thủy sản, khi thực hiện EVFTA, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 – 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 – 22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 – 26% sẽ được về 0% sau từ 3 – 7 năm. Với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Sản phẩm cá ngừ khai thác hướng đến chứng nhận MSC   Ảnh: ST

Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, việc xuất khẩu thủy sản vào EU gặp rất nhiều khó khăn, một trong số đó là những khoảng cách nhất định trong việc thông thương thị trường. Điển hình là vấn đề “thẻ vàng” IUU. Điều này khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU năm 2018 giảm 7% so năm 2017; từ vị trí thứ 2, EU đã rớt xuống vị trí thứ 5, đó là điều ít ai hình dung nổi khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Bước sang năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm sang Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng nhẹ, chỉ có EU và Trung Quốc là giảm mạnh tới gần 30%. Tính đến hết quý I/2020, Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57,69% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Song xuất khẩu sang EU chỉ đạt 185,68 triệu USD, chiếm 11,50%, giảm 28,27% so cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp cho biết, do ban hành “thẻ vàng” nên EU tăng cường kiểm soát đối với thủy sản (100% các lô hàng thủy sản) và các nông sản khác xuất khẩu sang thị trường EU. Nhiều luồng dư luận cho rằng, do việc xuất khẩu vào EU khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đi tìm các thị trường khác dễ tính hơn. Song, VASEP xác định  EU là thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là tôm; bởi, xuất khẩu tôm vào EU chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

 

Vượt qua rào cản

Bên cạnh những điểm cộng thì EVFTA cũng chứa đựng những rào cản nhất định đối với hoạt động thông thương của Việt Nam. Trong đó, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khó khăn mà họ lo ngại khi thực hiện EVFTA là những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại khi tiếp cận thị trường EU.

Tôm của Việt Nam sẽ có lợi thế rõ rệt so với các nước sản xuất khác khi thực thi EVFTA. Với tôm sú xuất sang EU sẽ được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Trong khi đó, Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%. Nhiều người lo ngại là nguồn tôm từ một số nước sẽ “đội lốt” tôm Việt Nam, đi qua khâu trung gian là các nhà xuất khẩu vào EU hưởng lợi. Để ngăn chặn việc gian lận thương mại, EU có thể sẽ xử phạt nghiêm các công ty làm ăn gian lận.

 

Dồn lực để thực hiện

PGS-TS Chu Hoàng Long, tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), khẳng định EVFTA là nhân tố giúp Việt Nam có một vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế quốc tế mới đang hình thành. Nếu tận dụng tốt các cơ hội, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến cho các luồng đầu tư lớn đang dịch chuyển trên quy mô toàn cầu dưới tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19. Với vị trí địa lý, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN và Australia. Ngoài ra, Việt Nam có khả năng trở thành trung tâm chế biến cho các doanh nghiệp nước ngoài của ASEAN và Australia để xuất khẩu sang thị trường EU và ngược lại, đặc biệt đối với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây đã đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản, từ nay đến cuối năm cần tập trung quyết liệt vào việc nuôi trồng đảm bảo tổng diện tích đạt khoảng 730.000 ha tôm, sản lượng 830.000 tấn. Bên cạnh đó, khai thác tốt các thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và chú ý thị trường mới như Nga, Ba Lan…

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, diễn biến của dịch COVID-19, diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777 ha, giảm 5,7% so cùng kỳ năm 2019; sản lượng đạt gần 180.000 tấn, giảm 23,6%. Còn với mặt hàng cá ngừ, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2020 giảm 10,4% so cùng kỳ năm trước; riêng tháng 3, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU cũng giảm hơn 27% do hệ thống nhà hàng, khách sạn đã ngưng hoạt động để tránh lây lan virus corona.

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, có thể nói người nuôi trồng, khai thác thủy sản Việt Nam đang rất mong chờ những khởi sắc từ việc thực hiện EVFTA. VASEP cũng dự báo, năm 2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2019 còn xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng mức khả quan nhất là 15% trong năm 2020.

>> Với 28 nước thành viên, EU là một thị trường lớn và tiềm năng với dân số trên 500 triệu người, tổng GDP trên 15.000 tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP của toàn thế giới. Đặc biệt, nhu cầu thủy sản của EU đã đạt mức 22,03 kg/người/năm, cao hơn 5,34 kg/người so với mức trung bình của thế giới.Nếu EVFTA được Quốc hội thông qua ở thời điểm hiện tại thực sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.   

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!