Là cơ quan ngôn luận của Hội Nghề cá Việt Nam và cũng là tờ báo duy nhất chuyên về thủy sản, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã không chỉ đi đúng định hướng báo chí chuyên nghiệp mà còn làm được nhiều hơn những gì mong đợi. Kỷ niệm 10 ngày thành lập, hãy cùng điểm lại những điểm nhấn ấn tượng của chúng tôi trong suốt thập kỷ qua.
1. Cầu nối của ngành
Đây là ý kiến đánh giá của lãnh đạo ngành thủy sản Việt Nam đối với Tạp chí Thủy sản Việt Nam ngay sau những số báo đầu tiên ra mắt. Bởi cho đến nay, Tạp chí Thủy sản Việt Nam vẫn là tờ báo duy nhất chuyên về lĩnh vực thủy sản, giúp kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với doanh nghiệp, nông dân; đồng thời phản ánh ý kiến của những nhà nông đến với các cấp, ngành, giúp tạo gắn kết được toàn bộ chuỗi sản xuất. Hơn thế nữa, Tạp chí còn làm được nhiều hơn những gì mà ngành và đơn vị chủ quản kỳ vọng.
2. Ra mắt 5 ấn phẩm báo giấy
Đầu tiên là Tạp chí Thủy sản Việt Nam, tờ báo mang tên gọi và cũng là “xương sống” của tòa soạn. Với định kỳ xuất bản 2 kỳ/tháng, Tạp chí Thủy sản Việt Nam (dày 88 trang) luôn cập nhật đầy đủ mọi sự kiện của ngành ở tất cả lĩnh vực, làm tròn nhiệm vụ “cầu nối của ngành thủy sản” và là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi gặp gỡ, trao đổi. Cùng với đó, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng gây dựng thành công hai ấn phẩm: Tra&Basa và Con Tôm. Đến nay, Đặc san Con Tôm đã là “thành viên” không thể thiếu của ngành tôm Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn sát cánh cùng người nông dân Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng ra mắt Tạp chí Mùa Vàng, ấn phẩm cập nhật đầy đủ mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt nhân sự và thay đổi về chiến lược phát triển, ấn phẩm này đã tạm dừng xuất bản, thay thế vào đó là Đặc san Người Chăn nuôi phát hành định kỳ hàng tháng; không ngừng tạo sức hút đối với ngành và các doanh nghiệp.
3. Mở rộng 4 trang thông tin điện tử
Nhằm theo kịp nhịp phát triển của ngành báo chí nước nhà, bên cạnh việc cập nhật và đổi mới từ nội dung đến hình thức của báo giấy, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã đẩy mạnh lĩnh vực báo điện tử và thu về thành công rất sớm. Trước tiên, là trang thông tin điện tử về thủy sản ở địa chỉ: www.thuysanvietnam.com.vn với lượng truy cập hàng ngày trung bình lên tới 50.000 lượt. So với các báo lớn khác, con số này nhỏ, thế nhưng, nó lại là “niềm mơ ước” của các cơ quan báo ngành. Cùng với đó, các trang điện tử www.contom.vn, www.nguoichannuoi.vn cũng có lượng độc giả không kém. Điều này thêm minh chứng cho định hướng đẩy mạnh phát triển báo điện tử để phù hợp với xu thế chung của ngành báo chí và thời đại công nghệ 4.0 của Lãnh đạo Tạp chí.
Mặt khác, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng cho ra mắt Trang thông tin điện tử phiên bản tiếng Anh ở địa chỉ: www.vietfishmagazine.com để bạn đọc và người tiêu dùng ở nước ngoài có thể kết nối và hiểu thêm về sản phẩm thủy sản Việt Nam.
4. Liên kết xuất bản thành công
Phát huy thế mạnh về xuất bản, trong những năm qua, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã liên kết với nhiều cơ quan, đơn vị xuất bản hàng loạt ấn phẩm chuyên ngành rất có giá trị. Đơn cử như hợp tác với Tập đoàn Mavin xuất bản Bản tin Mavin và nhiều ấn phẩm khác như: Sổ tay Kỹ thuật Nuôi tôm thẻ chân trắng; 100 doanh nghiệp tiêu biểu (năm 2014 và 2017); VietShrimp 2016 chủ đề “Hội tụ và Phát triển”; VietShrimp 2018 chủ đề “Đổi mới để thành công”… Mới đây nhất, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam xuất bản Tạp chí Thế giới Gia cầm (cùng với trang thông tin điện tử www.thegioigiacam.vn) đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung, lĩnh vực gia cầm nói riêng. Tất cả các ấn phẩm đều được đối tác và bạn đọc đánh giá cao về sự chỉn chu từ nội dung đến hình thức.
5. Tiếng vang cuộc thi viết “Điển hình Lao động ngành thủy sản Việt Nam”
Được tổ chức vào các năm 2009 và 2011. Mục đích là ghi nhận, tuyên dương, động viên những cá nhân, tổ chức tiêu biểu đóng góp có hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản, góp phần thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Không chỉ vậy, Ban tổ chức còn “tham vọng” qua cuộc thi có thể đưa những mô hình nuôi trồng thủy sản hay, những kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản tốt đến với bà con ngư dân, kể cả bà con ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Qua hai lần tổ chức, Cuộc thi đã thu hút được đông đảo các tay viết về những lao động ngành thủy sản Việt từ khắp mọi miền, hiện họ vẫn là những cộng tác viên đắc lực của tòa soạn.
6. Tổ chức hội chợ triển lãm riêng cho tôm
Dù mới qua hai lần tổ chức (năm 2016 và 2018) nhưng Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp) đã khẳng định được vị trí của mình trong lĩnh vực sản xuất tôm nói riêng, ngành thủy sản Việt Nam nói chung. VietShrimp 2018 được tổ chức từ ngày 27 – 29/4 vừa qua tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu tại TP Bạc Liêu đã thu hút gần 150 gian hàng của 100 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Australia… và khoảng 10.000 lượt khách tham quan. Thành công của Hội chợ năm nay đã thêm một lần nữa khẳng định được sức hút của một “sân chơi” hấp dẫn dành cho đối tượng nuôi chủ lực ngành thủy sản.
7. Dấu ấn Danh hiệu Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, đến nay, sau hơn 8 năm với 4 lần tổ chức, Danh hiệu đã chính thức trở thành hoạt động thường kỳ của Tạp chí Thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam. Mục đích để tìm kiếm và biểu dương những “ngôi sao sáng” của ngành thủy sản nước nhà. Qua 4 lần tổ chức, Chương trình bình chọn và trao tặng Danh hiệu Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam đã vinh danh hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất sắc hoạt động trong mọi lĩnh vực của ngành thủy sản. Hiện, đây vẫn là giải thưởng danh giá duy nhất của riêng ngành thủy sản.
8. Thành công tại các hội thảo, hội nghị
Song song với công tác chế bản, phát hành ấn phẩm báo chí, Tạp chí Thủy sản Việt Nam còn tổ chức hàng loạt các chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn của ngành rất thành công. Phải kể đến là: “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh tại Việt Nam” phối hợp với Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/11/2015 tại TP Hồ Chí Minh; thu hút hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi cá cảnh trên cả nước. Hội thảo “Nước mắm – Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” phối hợp với Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT) tại TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo sự tham gia của nhà quản lý và các nhà thùng ở các tỉnh trọng điểm. Hội nghị “Tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2014 và bàn giải pháp phát triển nuôi tôm năm 2015 các tỉnh phía Bắc”, tổ chức tại Nghệ An năm 2015, thu hút gần 150 đại biểu là đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản 11 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế, nhiều doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn và chế phẩm sinh học…
Và mới nhất là Hội thảo Quốc gia về giải pháp kỹ thuật phát triển thức ăn trong thủy sản diễn ra tại Hà Nội ngày 20/7, do Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm bền vững – Công bằng tại Việt Nam (SuSv) phối hợp tổ chức.
9. Tham gia tái tạo nguồn lợi thủy sản
Tái tạo nguồn lợi thủy sản đang là hoạt động được các cấp, ngành, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản nhiệt tình tham gia. Hưởng ứng phong trào này, trong nhiều năm qua, Tạp chí Thủy sản Việt Nam luôn tích cực thực hiện. Tháng 5 vừa qua, nhân dịp Lễ Phật đản, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang tổ chức thả cá giống nước ngọt tại khu vực sông Lô với số lượng hơn 3 tạ cá giống các loại.
10. Tích cực hỗ trợ ngư dân
Ngư dân là nòng cốt của nghề khai thác hải sản nước ta và đặc biệt, họ được coi là các “cột mốc sống” trên biển. Sự năng nổ, tích cực của ngư dân không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn đóng góp lớn cho nghề khai thác nước nhà và góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất họ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm, cả về nhân tai lẫn thiên tai. Nhằm động viên và tiếp thêm sức mạnh cho họ, Tạp chí Thủy sản Việt Nam luôn chung sức, đồng lòng với họ trong mọi hoàn cảnh, động viên tinh thần và biểu dương những tấm gương tiêu biểu của những ngư dân anh hùng. Những hoạt động này sẽ tiếp tục được chúng tôi duy trì và trân trọng.