THỨ BẢY, ngày 10/5/2025

T2, 06/07/2020 11:27

10 siêu cường thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Giao thương thủy sản đang tạo ra gần 130 tỷ USD/năm trên toàn thế giới, là nguồn sống chủ yếu của hàng triệu lao động. Dưới đây là 10 quốc gia thủy sản hàng đầu thế giới (Tạp chí Seafood International bình chọn năm 2014).

1. Trung Quốc

Trung Quốc luôn là nước sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh đáng kinh ngạc của nhu cầu tiêu thụ nội địa khiến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc 19,6 tỷ USD, nhập khẩu 8 tỷ USD. FAO ước tính, Trung Quốc có 8.000 – 10.000 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất hơn 24 triệu tấn/năm.

Nuôi thủy sản ở Trung Quốc – Ảnh: rfa.org

 

2. Indonesia

Năm 2012, Indonesia sản xuất 15,2 triệu tấn thủy sản; trong đó, sản lượng đánh bắt 5,8 triệu tấn, nuôi 9,4 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt 5,7 tỷ USD. Indonesia cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm và cá ngừ. Theo Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của các trại nuôi tôm tại Indonesia giai đoạn 2012 – 2015 đạt 10,7%. Theo Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia, ngành thủy sản góp 5,2% cho GDP.

 

3. Ấn Độ

Đứng ở vị trí thứ 3, ngành thủy sản Ấn Độ tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng tăng 11 lần suốt 6 thập kỷ qua, từ 0,75 triệu tấn/năm 1950 – 1951 lên 9,06 triệu tấn/năm 2012 – 2013 (theo FAO). Thủy sản nuôi chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng, đạt 4,43 triệu tấn, tương đương 3,5 tỷ USD; trong đó cá chép 4,1 triệu tấn, cá nước ngọt chủ yếu tiêu thụ nội địa, tôm dành để xuất khẩu. Ấn Độ là nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới, cung cấp cho thị trường thế giới gần 271.000 tấn thủy sản (2012 – 2013). Quốc gia này là một trong những nguồn thủy sản cốt lõi ở Đông Nam Á, với thị phần 23,1% về giá trị. EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Ấn Độ, chiếm 22,1%; tiếp đến là Mỹ (21,2%), Nhật Bản (10,6%), Trung Quốc (7,6%), Trung Đông (5,9%).

 

4. Nhật Bản

Nhật Bản là siêu cường thủy sản theo góc độ khả năng xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản đánh bắt và nuôi tại Nhật chủ yếu phục vụ nội địa. Nhật Bản xếp vị trí thứ 6 trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Năm 2012, nước này thu hoạch 3,6 triệu tấn (theo FAO). Năm 2013, sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng 4,73 triệu tấn. Nhật Bản có ngành thủy sản phát triển từ lâu đời, với nhiều nghề truyền thống; có chợ cá Tsukiji lớn nhất thế giới. Do đó, Nhật Bản có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới thủy sản toàn cầu; vị thế top đầu của Nhật trong làng thủy sản thế giới không chỉ đơn thuần được đánh giá qua con số sản lượng, năng suất.

 

5. Mỹ

Năm 2012, ngư dân Mỹ khai thác 4,48 triệu tấn cá và giáp xác, đạt giá trị 5,5 tỷ USD. Sản xuất cá tuyết Alaska, cá hồi, cá mòi dầu Pacific luôn đứng đầu. Năm 2013, sản lượng khai thác đạt 1,36 triệu tấn cá tuyết; 484.972 triệu tấn cá hồi; chủ yếu xuất khẩu sang châu Á, châu Phi. Sản lượng cá mòi dầu Atlantic đứng thứ 2 sau cá minh thái Alaska. Năm 2013, sản lượng khai thác cá mòi dầu 655.423 tấn, chủ yếu làm thực phẩm cho người dưới dạng tinh dầu cá, omega 3, một phần nhỏ để chế biến thức ăn gia súc, thủy sản.

Cá hồi Alaska – Mỹ – Ảnh: Wetandmldfishing

 

6. Nga

Ngành công nghiệp sản xuất cá tuyết và cá hồi của Nga khá mạnh, góp phần đưa quốc gia này vào vị trí thứ 6. Theo FAO, năm 2012, Nga đứng thứ 5 thế giới về sản lượng khai thác cá biển (hơn 4 triệu tấn). Nga là điểm sáng trong lĩnh vực chế biến cá tuyết, với sản lượng khai thác 1,54 triệu tấn/năm 2013. Sản lượng khai thác cá tuyết Atlantic cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Nga vào “sân chơi” thủy sản toàn cầu. Cùng với bang Alaska (Mỹ), Nga là một trong những nhà cung cấp cá hồi Pacific tự nhiên hàng đầu thế giới.

Nguồn: ITC

 

7. Peru

Trong lĩnh vực sản xuất bột cá, dầu cá làm thức ăn chăn nuôi, Peru luôn đứng đầu. Năm 2009, Peru khai thác được 5,9 tấn cá cơm, chiếm 57% sản lượng cá cơm toàn thế giới năm đó. Peru đang được đề cao với tư cách nhà chế biến và xuất khẩu dầu cá, bột cá lớn nhất thế giới. Tác động của Peru lên ngành công nghiệp thủy sản toàn cầu khá rõ, đặc biệt khi sản lượng cá cơm giảm do thay đổi thời tiết. Điều này khiến giá dầu cá, bột cá leo thang, dẫn tới tác động chuỗi lên toàn bộ hoạt động nuôi trồng thủy sản thế giới.

 

8. Việt Nam

Năm 2012, sản lượng cá tra, basa Việt Nam hơn 1,6 triệu tấn. Đây là quốc gia Đông Nam Á tiên phong trong nuôi cá tra, basa mở rộng, đưa con cá “vô danh” trở thành một sản phẩm thủy sản phổ biến nhất trên thế giới trong hơn 1 thập kỷ. Đang có nhiều quốc gia sản xuất cá tra, basa (như Indonesia, Bangladesh, Campuchia, Malaysia) nhưng con cá này chỉ gắn liền với quốc gia đã đưa nó trở thành hiện tượng của toàn thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia hàng đầu sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú; năm 2013 đứng thứ ba, với tổng sản lượng 548.000 tấn.

Nguồn: ITC

 

9. Na Uy

Quốc gia này gây ấn tượng trong làng thủy sản nhờ những sản phẩm hảo hạng. Năm 2013, Na Uy khai thác 1,16 triệu tấn cá hồi Atlantic, trở thành nước khai thác cá hồi lớn nhất. Sản lượng cá hồi vân 72.497 tấn. Tổng giá trị cá hồi nuôi đạt 54 triệu USD. Sản phẩm của Na Uy xuất khẩu toàn cầu, trong đó cá hồi Atlantic xuất sang Pháp, Nga, Ba Lan chiếm 40% tổng sản lượng cá hồi. Na Uy cũng là nhà cung cấp cá biển hàng đầu thế giới. Năm 2013, quốc gia này khai thác được gần 2 triệu tấn cá biển, đạt giá trị 17 triệu USD.

Trại nuôi cá hồi của Na Uy – Ảnh: Discovermagazine

 

10. Ai Cập

Khá yếu thế về nguồn nước, nhưng Ai Cập lại có ngành nuôi trồng thủy sản lớn mạnh nhất châu Phi. Nguồn cung thủy sản lớn nhất cho Ai Cập cũng từ hoạt động nuôi trồng, chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc. Theo FAO, sản lượng thủy sản nuôi tại các trại tư nhân chiếm 99%. Ai Cập cũng là quốc gia nuôi cá rô phi lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!