(TSVN) – 2020 là một năm đầy biến động của giao thương thủy sản toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng nhìn lại 10 sự kiện và vấn đề nổi bật thể hiện bức tranh toàn cảnh ngành thủy sản năm qua.
Tháng 12/2019, dịch bệnh do virus corona xảy ra tại Trung Quốc rồi sau đó lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành đại dịch toàn cầu. Tính đến cuối tháng 12/2020, dịch bệnh xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 80 triệu ca nhiễm. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ, chuỗi cung ứng thực phẩm thương mại bị đứt gãy. Thủy sản nước ta cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, xuất khẩu khó khăn trong khi hầu hết các loại nguyên liệu giá chạm đáy.
Năm 2020, thủy sản vẫn là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm.
Đến nay, Việt Nam đã có 14 FTAs có hiệu lực, trong đó đáng kể nhất là 2 FTA thế hệ mới với các cam kết cải cách bên trong sâu rộng là CPTPP và EVFTA, 2 FTA khác đang trong quá trình triển khai. Với EVFTA, một hiệp định được kỳ vọng sẽ mang lại cú hích lớn cho giao thương nông sản nói chung trong đó có thủy sản. Thống kê, sau 4 tháng thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt khoảng 14,66 tỷ USD, tăng 2,05% so cùng kỳ năm 2019; với thủy sản, nhiều lô hàng tôm, cá tra, cá ngừ đã được xuất khẩu ngay dịp đầu năm 2021.
Theo VASEP, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,85 tỷ USD. Con số này không cao so với các năm trước, thế nhưng, đây lại là điều rất đáng tự hào trong một năm vô cùng khó khăn. Cùng đó, năm qua, đã có hai đề án phát triển ngành tôm được phê duyệt đó là Đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh và Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Điều này là cơ sở để ngành tôm Việt Nam khai thác tối đa lợi thế, nguồn lực sẵn có và tăng thêm sản phẩm cho xuất khẩu.
Vốn là một ngành hàng có thế mạnh trên thị trường toàn cầu, nhưng những năm gần đây chế biến, xuất khẩu cá tra đã dần mất vị thế độc tôn của mình khi thị trường thế giới ngày một khó khăn hơn. Chính vì vậy, câu chuyện hướng đến thị trường nội địa giàu tiềm năng đã được các doanh nghiệp cá tra đầu tư nghiên cứu. Minh chứng, năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Nam Việt... đã tích cực đưa sản phẩm cá tra chất lượng cao của mình giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước và nhận được nhiều tín hiệu khả quan.
Năm qua, Trung Quốc tăng kiểm soát, lấy mẫu hàng thủy, hải sản đông lạnh nhập khẩu để ngăn chặn dịch COVID-19 khiến mặt hàng này bị ùn ứ lớn tại cảng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó. Trước vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT về việc nghiên cứu, xử lý tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Số liệu của Bộ NN&PTNT, thiên tai dị thường liên tiếp ở miền Trung từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11/2020 đã làm 192 người chết và 57 người vẫn đang còn mất tích; tổng thiệt hại kinh tế khoảng 30.000 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực thủy sản bị thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất, con giống và thủy sản nuôi, nhiều tàu cá bị chìm và hư hỏng. Theo Tổng cục Thủy sản, đã có 12.672 ha/27.660 ha diện tích NTTS (chiếm 45,8% diện tích đang nuôi), 828 ô lồng (khoảng 49.740 m3 lồng) bị thiệt hại; 88 tàu, thuyền khai thác hải sản bị hư hại, trong đó, có 69 tàu bị chìm; giá trị thiệt hại khoảng 1.151 tỷ đồng.
Trong rất nhiều khó khăn mà ngành thủy sản gặp phải ở năm 2020 đó là tình trạng giá nhiều mặt hàng thủy sản bị giảm mạnh như tôm, cua, cá tra... Điển hình là tôm hùm, khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc ngưng trệ, sản phẩm thủy sản này đã bị rớt giá chưa từng có. Giá tôm hùm xanh tươi sống loại 3 con/kg chỉ còn 520.000 đồng; loại 4 - 5 con/kg là 450.000 đồng; tôm hùm bông loại 2 con/1,5 kg là 750.000 đồng, loại 1 con/kg giá 1,1 triệu đồng.
Ngày 4/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch này. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác IUU của tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác IUU phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực…
Năm 2020, ngành thủy sản đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28 - 30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 18 - 20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ 1,3 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành sản xuất hàng hóa lớn có trình độ quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tuân thủ định chế quốc tế, phát triển có trách nhiệm và bền vững.