T4, 18/12/2024 03:47

11 tháng đầu năm, lực lượng kiểm ngư xử phạt hàng trăm lượt tàu cá vi phạm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong năm 2024, lực lượng kiểm ngư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao, đóng góp đáng kể trong việc thực thi pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU, đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động nghề cá.

Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm

Chiều 17/12/2024, Cục Kiểm ngư tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác ngành năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025. Thứ trưởng Bộ Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.

Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư, tính đến hết tháng 11/2024, Chi cục Kiểm ngư Vùng I, V đã thực hiện nhiều chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Qua đó phát hiện 130 lượt tàu vi phạm, trong đó 110 tàu cá Việt Nam, 20 tàu cá nước ngoài vi phạm với số tiền đã xử phạt 6,7 tỷ đồng.

Năm 2024, nhiều vụ tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vẫn xảy ra. Ảnh: ST

Cũng theo Cục Kiểm ngư, trong 11 tháng đầu năm, lực lượng kiểm ngư địa phương đã phát hiện, tuyên truyền, nhắc nhở tàu mất tín hiệu VMS trên biển gần 48.000 lượt tàu; yêu cầu gần 12.000 lượt tàu hoạt động gần ranh giới với các nước không xâm phạm vùng biển nước ngoài; kêu gọi nhắc nhở 477 lượt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay trở lại vùng biển Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền, xua đuổi hơn 7.600 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Kiểm tra 12 lượt tàu cá vận chuyển thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định PSMA; thẩm định 09 bộ hồ sơ của doanh nghiệp nhập khẩu cá cờ kiếm vào Việt Nam theo đường container.

– Phối hợp với vùng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng địa phương, hải quân vùng, kiểm ngư địa phương tuần tra chung, tuần tra chuyên đề, hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp, chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tại vùng biển Tây Nam bộ và Vịnh Bắc bộ.

Ngoài ra, làm thủ tục xuất, nhập bến cho gần 750.000 lượt tàu cá; Kiểm tra, xử lý hơn 1.800 vụ với số tiền trên 50 tỷ đồng. Trong khi lực lượng kiểm ngư địa phương tổ chức hơn 380 chuyến tuần tra, kiểm tra hơn 6.600 tàu cá, trong đó xử phạt hơn 720 tàu cá với số tiền khoảng 14 tỷ đồng.

Đồng thời triển khai Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO; Tham dự các cuộc họp, triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức hội thảo và xây dựng cơ chế phối hợp của các bên liên quan trong việc triển khai Hiệp Định PSMA hợp tác với FAO xác định nhu cầu để xây dựng dự án hỗ trợ kĩ thuật cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, nguồn lực triển khai Hiệp định. 

Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Hiệp định thực thi các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa; Tăng cường hợp tác nâng cao năng lực chống khai thác IUU với các đối tác có kinh nghiệm như: AustraliaA, Canada, UNODC, UN, RPOA-IUU.

Quyết liệt nhưng chưa gỡ được “Thẻ vàng”

Trong năm 2024, Cục Kiểm ngư đã tham mưu Bộ NN&PTNT, Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32/CT-TW và phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTPTATC. Đây là hai văn bản quan trọng trong chỉ đạo, điều hành để tạo sự chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU của Việt Nam.

Lực lượng Kiểm ngư trung ương đã hoàn thành có chất lượng, hiệu quả các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên biển, đã góp phần ngăn chặn và giảm dần các hành vi khai thác IUU. Cùng đó, phối hợp thực thi pháp luật thủy sản trên biển, chống khai thác IUU với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả; đặc biệt là mở các đợt cao điểm tuần tra, duy trì hệ thống tàu trực sẵn sàng thường xuyên trên biển để ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, đại diện Cục Kiểm ngư cũng chia sẻ những hạn chế, tồn tại như công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với kiểm ngư địa phương chưa đảm bảo hiệu quả do tổ chức kiểm ngư địa phương mặc dù đã được lập tại 28 tỉnh/thành phố ven biển nhưng mô hình tổ chức chưa thống nhất. Thêm vào đó, nhiệm vụ thường trực chống khai thác IUU mặc dù rất quyết tâm, nỗ lực, nhưng đến nay Việt Nam chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của EC. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng cục Kiểm ngư cho biết, năm 2025, Cục Kiểm ngư sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW, đảm bảo không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến hiệu quả chống khai thác IUU trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương,

Tập trung tham mưu trọng điểm chỉ đạo công tác thực thi pháp luật, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Tổ chức các Đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ/Bộ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế chống khai thác IUU.

Tham mưu cho Chính phủ tổ chức các Đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với lực lượng chức năng của các nước bắt giữ tàu cá Việt Nam (như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) để trao đổi, nắm bắt tình, đề xuất hợp tác trao đổi thông tin, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, tiếp tục phối hợp kịp thời với các cơ quan, lực lượng có liên quan thực hiện cao điểm công tác thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU; đặc biệt là vi phạm quy định về VMS, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Phạm Thu

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!