THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

2013 – Đợi chờ và hy vọng

Chưa có đánh giá về bài viết

Những sóng gió của ngành cá tra Việt Nam trong năm 2012 dần qua. Cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lẫn người nuôi đang chờ “bức tranh” tươi sáng hơn trong năm tới.

Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi cá và Chế biến Thủy sản An Giang: Đành hy vọng vào năm 2013

Thị trường cá tra hiện nay rất xấu. Nông dân không còn thiết tha nuôi. Trước đây, diện tích cao điểm ở mức 1.100 ha mà nay chỉ còn khoảng 800 ha; trong đó 15 – 20% tự nuôi, số còn lại nuôi gia công. Đối với doanh nghiệp, tình trạng cũng không khá hơn. Do thiếu vốn nên nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản. Hiện giờ, chúng ta vẫn bị tác động mạnh bởi sự mất ổn định của thị trường thế giới. Hy vọng, hết năm 2012, qua quý I/2013, ngành cá tra Việt Nam sẽ lại nắm bắt được thị trường.

 

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh – Tổng giám đốc Công ty CP Thuận An (An Giang): Năm khó khăn cho cá tra

2012 là năm hết sức khó khăn cho con cá tra, Thuận An từng là công ty chuyên xuất khẩu cá tra fillet vào châu Âu, nay cơ cấu mặt hàng này cũng giảm còn 40%. Thay vào đó, Thuận An đẩy mạnh xuất khẩu bột cá, mỡ cá. Trong 2012, giá trị xuất khẩu từ mặt hàng này đạt trên 100.000 tấn, doanh thu 100 triệu USD. Đây không những là hướng đi mới, tránh lỗ từ xuất khẩu cá tra fillet, mà còn nâng cao chuỗi giá trị cá tra từ phụ phẩm bỏ đi.

Thuận An là doanh nghiệp đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện chuỗi liên kết dọc. Công ty hiện có vùng nuôi tự cung cấp nguyên liệu 30 ha, trong đó 15 ha được công nhận GlobalGAP.

 

Ông Mai Chí Tâm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủy sản xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ: Cần nâng cao chất lượng con giống

Trong năm 2013, tôi và các hội viên Câu lạc bộ rất mong các cơ quan nhà nước quy hoạch lại vùng ương cá giống, đặc biệt phải có hàng rào pháp lý về việc cấp phép cho các đơn vị ương cá giống. Bên cạnh đó, cần chú tâm đến nguồn cá bố mẹ, thuần dưỡng làm sao để có đàn cá bố mẹ đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Một khi có đàn cá bố mẹ tốt, vùng ương cá được quy hoạch, kiểm soát thì chắc chắn chất lượng con giống sẽ được cải thiện.

 

Cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lẫn người nuôi cá tra đang chờ đợi một “bức tranh” tươi sáng hơn trong năm 2013 – Ảnh: An Đăng

Ông Võ Ngọc Diệp – Giám đốc Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Đồng Tháp: Tiếp tục hỗ trợ vốn vay 

Cá tra là thế mạnh của ĐBSCL, nhưng mấy năm nay đang gặp khó ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Chính vì lẽ đó, cả diện tích và sản lượng cá tra đang giảm mạnh. Riêng ở Đồng Tháp, diện tích giảm 30 – 40% so với năm 2008. Có thể nói, 2012 là năm cá tra gặp nhiều khó khăn nhất. Giá cá nguyên liệu tiếp tục nằm dưới giá thành sản xuất bởi chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Trong lúc khó khăn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi cá khép kín để duy trì ổn định; đồng thời kêu gọi giảm các hộ nuôi tự phát, nuôi nhỏ lẻ chuyển sang nuôi đối tượng khác hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp có vốn mạnh, có nhà máy chế biến xuất khẩu.

Để cùng nhau vực dậy ngành cá tra trong tỉnh nói chung và ĐBSCL nói riêng, VietinBank Đồng Tháp vẫn đang liên tục triển khai các gói vay cho khách hàng nuôi và chế biến xuất khẩu với mức lãi suất tùy thuộc từng gói tín dụng từng thời kỳ. Tuy nhiên, phải ưu tiên khách hàng có phương án sử dụng vốn tốt, hội đủ điều kiện kinh doanh.

 

Ông Nguyễn Minh Kha – Chủ hộ nuôi cá tra ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ: Cần xây dựng giá sàn xuất khẩu

Nhà tôi có 5 ao nuôi với tổng diện tích trên 2 ha. Trong vụ nuôi đầu, bán cá đúng thời điểm giá thấp, chỉ 19.000 đồng/kg, thua lỗ gần 2 tỷ đồng. Không tiền đáo hạn ngân hàng, hết tiền đầu tư nên đành phải treo ao 1 ha. Cũng may 1 ha còn lại có người thuê, nếu không thì chẳng biết sẽ sống ra sao khi vốn liếng đã đổ hết vào cá tra. Năm 2013, mong cơ quan chức năng siết chặt hơn chất lượng con giống, thức ăn và giá cả. Đặc biệt, phải xây dựng giá sàn xuất khẩu để người nuôi tính được lỗ lãi khi đầu tư vào cá tra. Có thế, người nuôi mới tiếp tục bám vào con cá “trời ban cho vùng ĐBSCL”.

Lê Hoàng Vũ - Yến Ly (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!