(TSVN) – Hội chợ Thủy sản toàn cầu (Seafood Expo Global 2025) lần thứ 31 diễn ra tại TP Barcelona, Tây Ban Nha (từ ngày 6 – 8/5/2025). Sự kiện thu hút 28 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, đây cũng là triển lãm thương mại lớn nhất thế giới chuyên ngành thủy sản.
Năm nay hội chợ có 2.187 doanh nghiệp đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với 68 gian hàng quốc gia và khu vực. Sự kiện đã đón tiếp trên 35.000 chuyên gia, nhà cung cấp, người mua và các bên liên quan trong ngành từ khắp nơi trên thế giới, để cùng chia sẻ những xu hướng, công nghệ mới trong chế biến thực phẩm và thảo luận các giải pháp cho những thách thức trong tương lai.
Hội chợ tiếp tục khẳng định vai trò là điểm gặp gỡ quốc tế quan trọng của ngành thủy sản toàn cầu, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại thường niên. Song song với hoạt động triển lãm, chương trình hội nghị chuyên ngành được tổ chức với hơn 20 phiên thảo luận cùng sự góp mặt của 80 diễn giả quốc tế. Các chủ đề trọng tâm được nêu ra bao gồm: nuôi trồng thủy sản bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc, quy định pháp lý, công nghệ chế biến, tiếp thị, hành vi người tiêu dùng, xu hướng thị trường, chính sách thuế quan và mô hình thương mại mới.
Tham gia sự kiện, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đăng ký diện tích 464 m2, quy tụ 28 đơn vị chế biến và xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu trong nước. Trong đó, có 7 công ty chế biến tôm, 8 công ty chế biến cá tra, 4 công ty chế biến cá ngừ, và 8 công ty chế biến các mặt hàng thuỷ hải sản nói chung. Bên cạnh đó, tham dự kỳ triển lãm năm nay còn có thêm 1 công ty chuyên về kho lạnh dành cho ngành thủy sản.
Năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các quốc gia EU đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2023. Dù mức tăng trưởng không quá mạnh, tuy nhiên đây vẫn là tín hiệu tích cực trong bối cảnh các thị trường toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức như biến động kinh tế, chính trị.
Thực tế, năm vừa qua, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có sự điều chỉnh rõ rệt nhất về cơ cấu sản phẩm: Tôm chân trắng tiếp tục là sản phẩm chủ lực, chiếm 37,4% tổng xuất khẩu, đạt 389,7 triệu USD, tăng 15,6% so với năm 2023. Cá ngừ và cá tra cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý, lần lượt đạt gần 197 triệu USD (tăng 11,8%) và 176 triệu USD (tăng 4,4%). Nghêu và tôm sú tiếp tục có sự gia tăng, trong đó nghêu tăng mạnh 17% đạt 68 triệu USD, phản ánh sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản chế biến từ Việt Nam. Tuy nhiên, mực lại có sự suy giảm đáng kể xuống còn 23,8 triệu USD (giảm 30,2%), điều này có thể do sự cạnh tranh gia tăng từ các nguồn cung cấp khác hoặc sự thay đổi trong sở thích tiêu dùng của thị trường EU đối với mặt hàng này.
Trong khuôn khổ hội chợ, VASEP đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tổ chức hội thảo về ngành cá tra nhằm thắt chặt quan hệ với các đối tác hiện hữu, kết nối khách hàng tiềm năng, xây dựng liên minh chiến lược và cập nhật thông tin mới nhất về thị trường cá tra.
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng đã trao đổi với đại diện VASEP và các doanh nghiệp về những khó khăn – thách thức, những giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại – kết nối kinh doanh trong bối cảnh sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tại một số thị trường khu vực châu Âu. Đồng thời, các bên cùng thảo luận các giải pháp nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, tăng cường phối hợp trong tổ chức các sự kiện sắp tới.
Với phương châm “Thủy sản Việt Nam – Điểm đến bền vững”, ngành thủy sản đang tập trung truyền tải thông điệp về chuỗi sản xuất xanh, sạch, có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Một số hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ thủy sản toàn cầu 2025. Ảnh: VASEP:
Minh Khuê