Nghề nuôi tôm hùm lồng thực sự phát triển từ năm 2000, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, số lượng lồng nuôi ở các tỉnh này khoảng 53.000 lồng, với khoảng 8.000 đến 10.000 hộ nuôi.
Nghề nuôi tôm hùm lồng thực sự phát triển từ năm 2000, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, số lượng lồng nuôi ở các tỉnh này khoảng 53.000 lồng, với khoảng 8.000 đến 10.000 hộ nuôi.
Khánh Hòa
Là tỉnh dẫn đầu về số lồng nuôi và sản lượng tôm hùm với gần 28.500 lồng, chiếm hơn 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm của cả nước, sản lượng khoảng 880 tấn. Tôm hùm nuôi nhiều nhất ở Vạn Ninh khoảng 10.000 lồng, TP Cam Ranh trên 7.000 lồng, TP Nha Trang khoảng 3.000 lồng và ở các nơi khác như Ninh Hòa, Cam Lâm… Tỉnh Khánh Hòa đã có những quy định thiết kế lồng bè, phân vùng neo đậu lồng nuôi theo quy chuẩn VietGAP; chuyển đổi từ nuôi lồng ở biển lên nuôi trên bờ sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường… Ngành thủy sản Khánh Hòa cũng đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết mặt nước, nuôi tôm hùm ở các vịnh, đầm…
Phú Yên
Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng ở Phú Yên xuất hiện tại đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) vào những năm 1990. Hiện, trên địa bàn Phú Yên có 25.132 lồng tôm hùm với 3.860 hộ nuôi thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và chiếm 94% số lồng nuôi thủy sản trên biển. Tỉnh Phú Yên đã hoàn thành công tác khảo sát, lập và phê duyệt hồ sơ phân giới, cắm mốc mặt nước biển; xây dựng phương án bố trí lồng bè nuôi phù hợp với từ 30 – 40 lồng/ha. Đồng thời, tăng cường quản lý khai thác tôm hùm giống mang tính chất hủy diệt.
Bình Định
Tỉnh hiện có gần 150 hộ nuôi trên 1.700 lồng, bình quân nuôi 200 con tôm giống/lồng, tập trung ở các xã, phường Ghềnh Ráng, Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ An (Phù Mỹ)… Trong đó, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) nổi tiếng là vựa nuôi tôm hùm lớn của tỉnh. Theo thống kê, năm 2014, xã Nhơn Hải có 87 hộ ngư dân đầu tư gần 22 tỷ đồng thả nuôi hơn 94.000 con tôm hùm giống trên 55 bè nuôi; 51 hộ ngư dân đầu tư nuôi hơn 31.000 nghìn con tôm hùm thương phẩm trên 30 bè nuôi. Trong đó, ngư dân nuôi tôm hùm thương phẩm đã xuất bán 1.800 kg tôm hùm, đạt giá trị 200 triệu đồng.
Ninh Thuận
Tôm hùm nuôi thử nghiệm lần đầu ở Ninh Thuận vào năm 1994 tại đầm Vĩnh Hy. Tuy nhiên quy mô phát triển nuôi tôm hùm tại Ninh Thuận chưa nhiều, năm cao nhất chỉ đạt 450 lồng và chỉ tập trung tại các khu vực kín gió, nơi có độ sâu mực nước không cao do ven biển Ninh Thuận hầu hết là biển hở thường xuyên chịu tác động của sóng gió lớn nên khả năng phát triển mở rộng theo công nghệ nuôi hiện nay còn nhiều hạn chế.
Bình Thuận
Nghề nuôi tôm hùm ở Bình Thuận tập trung nhiều nhất ở huyện đảo Phú Quý. Hiện, toàn đảo có 103 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích hơn 18 nghìn m2 mặt biển, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm từ 150 đến 200 tấn, chủ yếu là các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, như tôm hùm, cá mú, cá giò, cá bò, tôm hùm… Ngành chức năng của đảo Phú Quý cũng giúp ngư dân thực hiện mô hình mới nuôi tôm hùm thương phẩm trong các ao chắn ven biển, nuôi tôm hùm lồng… đem lại hiệu quả.