53 năm Thủy sản Việt Nam: Không ngừng phát triển, hướng tới tương lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Tháng 4/1960, Bộ Nông Lâm được chia tách thành Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Hải sản. 53 năm qua, thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Thời kỳ 1960 – 1975

Nghề cá miền Bắc cùng cả nước tiến hành xây dựng CNXH, ngư dân hăng hái tham gia HTX (năm 1960 có 81,6% số hộ ngư dân tham gia, đến 1965 đã có 97%), kinh tế HTX chiếm tỷ trọng lớn trong nghề cá biển. Thông qua phong trào hợp tác hóa, nghề cá du nhập công nghệ mới, cơ giới hóa thuyền nghề, ni lông hóa lưới sợi. Đồng thời, các đoàn tàu đánh cá Việt – Xô, Việt – Trung, Việt – Đức, Việt Triều (công suất 90 – 1.000 CV) với 47 chiếc, tổng công suất 19.500 CV được thành lập, hình thành đoàn tàu đánh cá Hạ Long, cùng các nhà máy đồ hộp Hạ Long, cơ khí Hạ Long, cơ khí Vật Cách… tạo nền tảng ban đầu cho công nghiệp nghề cá Việt Nam. Các quốc doanh đánh cá lần lượt ra đời: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thác Bà, Ninh Cơ, Lạch Trường, Cửa Hội, Sông Gianh…, cùng các quốc doanh nuôi cá địa phương và hàng vạn HTX nghề cá và nuôi cá trên khắp miền Bắc. Sản lượng khai thác cá biển thời kỳ 1960 – 1965 đạt 110.000 – 130.000 tấn/năm. Các năm 1966 – 1975, trong tình hình có chiến tranh, sản lượng khai thác cá biển vẫn đạt 60.000 – 100.000 tấn/năm.

Từ năm 1963, các nhà khoa học thủy sản đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá mè, sau đó là trắm, chép, trôi, mrigan, rô phi… Sản xuất tôm giống nhân tạo cũng đã thành công bước đầu, mở ra triển vọng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản sau này. Cũng năm 1963, sản phẩm của Nhà máy cá hộp Hạ Long được xuất khẩu; cho đến 1971, những sản phẩm thủy sản đông lạnh Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khu vực II (Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông).

 

Năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,6 triệu tấn – Ảnh: Phan Thanh Cường

Thời kỳ 1976 – 1980

>> Tổng vốn đầu tư ngân sách cho ngành thủy sản trong 30 năm đổi mới không lớn, giai đoạn 1996 – 2000 chỉ chiếm 1,83% tổng đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế, giai đoạn 2001 – 2010 chiếm 1,37%, nhưng thủy sản đã đóng góp tương ứng 2,28 – 3,38% và 3,74% GDP trong các giai đoạn này. Hệ số ICOR trong đầu tư thủy sản (2,5) thấp hơn so với nông nghiệp (4,33) và so với cả nền kinh tế quốc dân (5,23).

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VI quyết định thành lập Bộ Hải sản (trên cơ sở Tổng cục Thủy sản); năm 1981 chuyển đổi thành Bộ Thủy sản. Hòa bình thống nhất tạo cơ hội vô cùng thuận lợi cho phát triển. Tuy nhiên, tư duy kinh tế kiểu cũ và cơ chế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp đã trói buộc nghề cá. Từ 1975 đến 1980, sản xuất kinh doanh thủy sản sa sút nghiêm trọng. Sản lượng khai thác hải sản giảm từ 607.000 tấn năm 1976 xuống 377.192 tấn vào năm 1980; kim ngạch xuất khẩu giảm từ 20 triệu rúp/đô la xuống còn 13 triệu rúp/đôla.

Về tư duy, từ những năm 1960 nghề cá đã bị trói buộc bằng chính sách thu mua và sau năm 1975 thì thu mua giao nộp sản phẩm thủy sản trở thành chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh. Đồng thời, ngành thủy sản đã chủ trương tập trung sản phẩm thủy sản thu mua vào các công ty thủy sản ở 3 cấp, xóa bỏ các đầu mối thương mại, loại trừ nậu, vựa – các huyết mạch nối sản xuất với thị trường. Đây là sai lầm nghiêm trọng trong nghề cá, khi cắt rời sản xuất khỏi thị trường, ví như vớt cá ra khỏi nước, cá chỉ có chết. Cơ chế quản lý kế hoạch tập trung, bao cấp không phù hợp nghề cá. Đây chính là lý do khiến ngành thủy sản liên tục sa sút.

Trong bối cảnh mất mùa, thiếu đói và những mâu thuẫn gay gắt trong nông nghiệp, tại Hải Phòng và một số địa phương đã xuất hiện các hình thức khoán “chui”, manh nha sự ra đời một chủ trương lớn, có tính đột phá: Chỉ thị 100. Ngành thủy sản đã đề xuất Trung ương Đảng cho áp dụng thử nghiệm cơ chế quản lý mới, tiếp cận thị trường, xuất khẩu trực tiếp vào thị trường khu vực 2 (tư bản chủ nghĩa) bán sản phẩm, thu ngoại tệ, tự cân đối để mua máy móc, thiết bị trang bị lại cho toàn ngành. Và để triển khai thực hiện, ngành đã chọn Công ty XNK Hải sản (Seaprodex – thành lập từ 1978) làm nòng cốt trong điều phối các hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản.

 

Thời kỳ 1981 – 2010

Năm 1981, Bộ Hải sản đổi tên thành Bộ Thủy sản. Việc xác định xuất khẩu thủy sản là mũi nhọn và cơ chế hài hòa lợi ích trong sử dụng ngoại tệ đã tạo động lực kích thích sản xuất phát triển. Về bản chất, đây là chính sách gắn sản xuất với thị trường, đưa “cá về với nước”. Kết quả, hơn 30 năm qua, ngành thủy sản luôn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, trở thành một trong những ngành mũi nhọn. Giai đoạn 1980 – 1990, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 48,29%/năm; giai đoạn 1991 – 1996 tăng 15,97%/năm; giai đoạn 1996 – 2000 tăng 17,15%/năm; giai đoạn 2001 – 2010 tăng 10,93%/năm.

Thời kỳ này, hơn 70 cảng cá, bến cá được nâng cấp hoặc xây mới; trong đó 10 cảng được đầu tư đồng bộ bằng vốn vay ADB, 16 cảng đầu tư bằng vốn Biển Đông Hải đảo, 47 khu neo đậu tránh trú bão bằng vốn ngân sách Trung ương, địa phương.

Trên biển, số lượng tàu khai thác xa bờ tăng nhanh. Tổng số tàu cá đã trên 128 nghìn chiếc, tổng công suất gần 7 triệu CV. Cơ cấu thuyền nghề khai thác chuyển đổi mạnh theo hướng ra xa bờ, đánh bắt sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Sản lượng khai thác hải sản xa bờ đã chiếm 35% tổng sản lượng khai thác hàng năm. Hàng ngàn tàu cá luôn hiện diện trên vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ, quanh các vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trên các vùng biển chồng lấn của Biển Đông và Đông Nam Á, đã góp phần tích cực khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.

Bên cạnh tôm sú, các đối tượng nuôi, trồng đã xuất hiện rất đa dạng trên cả 3 vùng nước. Đặc biệt sự phát triển nhanh của cá tra, basa. Trước năm 2000 cá tra, basa được người dân ĐBSCL vớt giống tự nhiên từ nguồn cá Biển Hồ xuôi theo sông Tiền, sông Hậu đem nuôi tại lồng bè trên sông. Công ty XNK Thủy sản An Giang (Agifish) đã có công đem con cá ĐBSCL ra thị trường thế giới. Cá được chấp nhận, bán được giá. Từ đó, Agifish đã hợp tác với các nhà khoa học Pháp nghiên cứu thành công công nghệ sinh sản nhân tạo, tạo tiền đề phát triển công nghiệp nuôi cá tra, basa nhanh, mạnh, chủ động, ổn định. Với thành tích này, Agifish cùng 13 đơn vị khác trong ngành thủy sản được phong Anh hùng Lao động.

Quá trình hội nhập của thủy sản có nhiều bài học về tranh tụng thương mại và các rào cản kỹ thuật. Tiếng vang các sự kiện đã góp phần quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam sâu gốc, bền rễ hơn. Năm 2010, đã có 330 doanh nghiệp CBXKTS đạt tiêu chuẩn trong danh sách 1 xuất khẩu vào thị trường EU và 440 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc gia (tương đương tiêu chuẩn quốc tế) đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường; sản phẩm Việt Nam đã vươn ra 163 quốc gia, vùng lãnh thổ.

    

Chiến lược phát triển bền vững

Tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam (1981 – 2012) –  Nguồn: TSVN

Phát triển kinh tế thị trường phải gắn với bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh. Sản xuất phải có định hướng chiến lược, phải theo quy hoạch. Vai trò nhà nước cần thể hiện mạnh mẽ trong xây dựng chính sách và quản lý. Mọi công đoạn sản xuất (khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến, thương mại, xuất khẩu…) cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình HACCP. Cần đẩy mạnh thực hành quản lý tốt (BMP), nuôi tốt (GAP) và truy xuất nguồn gốc sản phẩm,  vùng sản xuất.

Quản lý theo chuỗi sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa các thành phần kinh tế đòi hỏi sự hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các chủ sở hữu khác nhau, giữa ngư dân, người nuôi với các nậu vựa, chủ cung ứng xăng dầu, nước đá, ngư cụ, với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu, chế biến thức ăn… Do đó, bên cạnh vai trò của Nhà nước, việc củng cố, tăng cường, tổ chức lại các hội, hiệp hội trong nghề cá là vô cùng thiết thực đối với người lao động ngư nghiệp.

Bảo đảm phát triển ổn định bền vững, cần tuân thủ quy luật tự nhiên, môi trường, lợi ích kinh tế, đồng thời phải bảo đảm giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Ngành thủy sản qua hơn 53 năm đã phát triển sâu rộng trong các vùng nông thôn Việt Nam. Những thành tựu, bài học kinh nghiệm đã qua là hành trang của chặng đường phát triển bền vững, hướng tới tương lai.

>> Tiến sĩ kinh tế Ngô Anh Tuấn

Sinh năm 1950. Từ 1975 – 1986 là giảng viên đại học; 1987 – 1996: cán bộ nghiên cứu, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản); 1996 – 2003: Phó văn phòng rồi Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT; 2003 – 2007: Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Thủy sản; 2007 – 2011: Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ NN&PTNT.

TS Ngô Anh Tuấn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!