T6, 20/12/2024 02:41

7 giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh cần phải khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.

2024, năm bứt phá của ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản diễn ra ngày 16/12 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ: 5 năm vừa qua (2020 – 2024) là giai đoạn với nhiều biến động phức tạp, khó lường về kinh tế, địa chính trị, cùng với đó là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế xã hội, các yếu tố địa chính trị và cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc đã có tác động ít nhiều đến nền kinh tế kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp nước ta và các hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm sản và thủy sản. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ ngành và địa phương đã có hỗ trợ và ưu đãi cho ngành nông nghiệp, cùng với đó là sự chủ động của địa phương và nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp và xuất khẩu nông sản và bà con nông dân người sản xuất.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023. Ảnh: ST

“Một điều đáng mừng là trong 5 năm vừa qua, vượt qua tác động lớn của dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, các bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động phối hợp, đồng hành cùng vượt qua những khó khăn thách thức đó mà kết quả  là xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng từ 41,4 tỷ USD năm 2020 lên hơn 62 tỷ USD năm 2024”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và  xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). 

Nắm bắt thị trường

Trong năm 2024, thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có sự dịch chuyển giữa các quốc gia, đơn cử như thị trường Trung Quốc đã xuống vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ và một số thị trường có sự gia tăng thị phần như ASEAN, Trung Đông, EU; xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại qua các tháng.

Hiện nay, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, vấn đề phòng vệ thương mại ngày càng được các quốc gia quan tâm. Hoạt động sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu của các nước và hàng hóa nội địa (đặc biệt là Trung Quốc). Cùng đó, xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine, Trung Đông có khả năng tiếp tục gây ảnh hưởng tới vận tải toàn cầu. 

Để duy trì được vị thế, nước ta cần phải tập trung công tác tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…; Chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm.

Bên cạnh đó, chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực của người sản xuất, kinh doanh trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tuân thủ nghiêm các yêu cầu và quy định thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.

Đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong hỗ trợ, kết nối     doanh nghiệp; tăng cường phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu khách hàng.

Giải pháp để thích ứng

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong thời gian tới những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản trong đó có Việt Nam.  

 Để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 và các năm tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. 

Thứ hai, đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát, như: Tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu.

Thứ ba, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…, tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.

Thứ năm, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.

Thứ sáu, chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh nông sản trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.

Cuối cùng, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; tăng cường phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu khách hàng.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!