7 giải pháp trọng tâm phát triển thủy sản trong tình hình mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 26/4, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương đồng chủ trì Hội nghị.

Phát triển chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Năm 2020, cả ngành chăn nuôi và thủy sản đều có mức tăng trưởng tốt, chiếm tới khoảng 49% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 5 – 6%, ngành thủy sản là 4 – 5%. Hai ngành hàng này hiện đã phê duyệt chiến lược phát triển trong giai đoạn mới với những mục tiêu rất lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn trên thế giới, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi giá trị. Ở trong nước, dịch bệnh trên vật nuôi còn nhiều và nguy cơ tiềm ẩn lớn, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn… Theo đó, để đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng, cần tìm ra các giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh sản xuất cũng như xuất khẩu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,3 triệu ha và khoảng 10 triệu m3 lồng. Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2019; trong đó, sản lượng cá tra đạt 1,56 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD; Sản lượng tôm nước lợ đạt 950 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD; Sản xuất giống thủy sản chủ lực về cơ bản đáp ứng nhu cầu số lượng cho nuôi thương phẩm, trong đó, đã cơ bản thay thế đàn cá tra bố mẹ. 

Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng đạt mức 4,75 triệu tấn; trong đó, sản lượng cá tra 1,55 triệu tấn; tôm các loại 980 nghìn tấn…

Để hoàn thành kế hoạch này, ngành thủy sản đề ra 7 giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất để tiếp cận nguồn cung ứng vật tư đầu vào chất lượng tốt, giá cả phù hợp; Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản; Triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản; Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới; Tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017, đồng thời triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt…

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: Để thực hiện được mục tiêu trong phát triển, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn thủy sản, để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất. Cùng đó, các đơn vị liên quan và địa phương cần phối hợp tích cực để hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng thủy sản, không tăng giá thức ăn thủy sản trong bối cảnh hiện nay.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!