(TSVN) – Nhận thấy giống ốc bươu đen đang dần ít đi, một thanh niên trẻ ở Vĩnh Long đã mạnh dạn khởi nghiệp nuôi ốc trong ao tự nhiên. Sau 3 năm, thành công của mô hình không chỉ giúp anh làm giàu mà còn cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ dân ở ĐBSCL.
Năm 2019 anh Nguyễn Phú Vinh (33 tuổi, phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) quyết định từ bỏ vị trí nhân viên kinh doanh tại một công ty với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng để khởi nghiệp với nghề nuôi ốc bươu đen. Trước đó anh đã sang huyện Cái Bè, Tiền Giang để tìm hiểu mô hình nuôi ốc bươu đen rộng 6.000 m2 tại trang trại của một người bạn. Anh Vinh nhận thấy ốc bươu sinh trưởng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của miền Tây nên mạnh dạn thả nuôi trên diện tích ao khoảng 2.000 m2, mật độ 150 con/m2.
Anh Nguyễn Phú Vinh thành công với mô hình ốc bươu được nuôi trong môi trường tự nhiên. Ảnh: Hoài Thanh
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên tỉ lệ ốc bươu hao hụt rất nhiều. Khủng hoảng nhất là quãng thời gian ốc bị chết la liệt trong ao. Sau khi tìm hiểu anh Vinh tìm ra nguyên nhân là do trước khi thả nuôi, môi trường nước trong ao chưa được xử lý đúng kỹ thuật. Không từ bỏ, anh tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình nuôi ốc trong ao tự nhiên. Anh không dùng thức ăn công nghiệp mà thay vào đó là thả bèo, trồng bông súng kết hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có như bầu, mướp, mít, ổi…để làm thức ăn cho ốc.
Từ khi thả nuôi đến lúc thu hoạch ốc mất khoảng 4 tháng rưỡi với trọng lượng từ 30 – 35 con/kg. Ngoài ra, anh còn thu về 120 – 170 triệu đồng từ bán trứng và ốc giống. Trên diện tích ao 6.000 m2, anh Vinh nuôi ốc bố mẹ đẻ trứng với giá 500.000 đồng/kg, còn ốc giống có giá 250 đồng/con. Thông thường trứng ốc khi nở thành con mất từ 13-17 ngày.
Với những thành công ban đầu, anh Vinh đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật nuôi ốc bươu, liên kết với hàng trăm hộ dân cùng sản xuất, cung ứng ốc thương phẩm, trứng, con giống ra thị trường. Hiện nay, anh liên kết với nhiều hộ dân tại các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long…
Một hộ dân ở Tiền Giang nuôi ốc bươu trong ao bèo từ nguồn ốc giống của anh Vinh. Ảnh: Hoàng Lộc.
Năm 2020 bà Lê Cẩm Giang (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu thả nuôi ốc bươu trên diện tích 500 m2 vườn nhà. Bà chia sẻ: Gia đình tôi có người lớn tuổi phải chăm sóc hàng ngày, nên chọn thả nuôi ốc bươu đen từ nguồn giống của anh Vinh vì không tốn nhiều công chăm sóc. Sản phẩm được bao tiêu đầu ra toàn bộ với mức giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, lúc cao điểm giá bán có thể lên tới 55.000 đồng/kg, do đó tôi đã mạnh dạn mở rộng nuôi thêm ốc trên 1.500 m2 ao còn lại.
Ông Nguyễn Minh Tâm (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đầu tư gần 10 triệu đồng để nuôi 1.000 m2 ốc bươu đen từ năm 2021. Sau 5 tháng thả nuôi ốc đạt 30 con/kg bán sỉ với giá 40.000 đồng/kg. Ông Tâm cho biết lúc đầu rất sợ nuôi ốc bươu đen không hiệu quả nên chỉ thả nuôi khoảng 1.000 m2. Sau khi được anh Vinh tận tình hướng dẫn kỹ thuật giúp ốc đạt trọng lượng theo yêu cầu và cam kết bao tiêu đầu ra nên ông Tâm quyết định thả nuôi thêm 3.000 m2.
Sản phẩm ốc gác bếp của anh Vinh. Ảnh: Hoài Thanh.
Được biết mỗi tháng, chuỗi liên kết của anh Vinh cung cấp từ 5 – 10 tấn ốc thịt, 300 – 500 kg trứng ốc và gần 100.000 ốc giống, thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn sáng tạo ra sản phẩm ốc lác gác bếp và dự kiến mở thêm trang trại nuôi ốc lác đồng với quy mô lớn. Đây cũng là nguyên liệu chính để chế biến nhiều món ăn trong gia đình hay tiếp đãi khách. Điểm nổi bật trong sản phẩm của anh Vinh đó là nguồn ốc sạch, kích cỡ phù hợp và vỏ ốc đều đẹp.
Anh Nguyễn Phú Vinh chia sẻ: khi mình thực hiện ý tưởng từ các sản phẩm truyền thống của cha ông thì vẫn cần linh hoạt, cập nhật xu hướng hiện đại, sản phẩm tươi ngon nhưng chất lượng, mẫu mã phải bắt mắt. Hiện nay, ngoài cung cấp thị trường trong nước, sản phẩm ốc gác bếp của chúng tôi còn hướng ra thị trường nước ngoài với khoảng 400 kg/tháng mang về doanh thu trên 80 triệu đồng.
Khánh Nguyễn
(Tổng hợp)