Thu hồi đất rồi “treo”, dân chịu thiệt

Chưa có đánh giá về bài viết

Với lý do chấn chỉnh tình trạng bất ổn ở vùng nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm) xã Phổ Khánh, năm 2010 UBND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi hơn 60 ha diện tích nuôi tôm của địa phương này. Đồng thời UBND huyện giao UBND xã khẩn trương quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản trên cát dọc bờ biển thuộc Phổ Khánh. Thế nhưng, đã hơn 3 năm trôi qua, vùng nuôi tôm ngày nào vẫn là bãi cát trắng hoang tàn, cằn cỗi…

Những năm 2004 – 2005, UBND xã Phổ Khánh cho người dân thuê 60,89 ha đất cát dọc bãi biển với giá 2,5 triệu đồng/ha/năm để nuôi tôm. Nhưng quá trình thả nuôi lại xảy ra chuyện nhiều người tự ý sang nhượng hồ nuôi, rồi lấn chiếm rừng phòng hộ…  Đồng thời UBND huyện Đức Phổ cho rằng việc làm của UBND xã Phổ Khánh là vượt quá thẩm quyền nên năm 2010 tiến hành cưỡng chế, thu hồi toàn bộ diện tích trên. Việc này khiến không ít người lao đao vì lỡ đầu tư lớn nên chưa kịp hoàn vốn. Đã thế, hơn 3 năm qua, số diện tích trên bị bỏ không, trong khi người dân lại “khát” đất.


Từ việc lấn chiếm rừng và sang tay hồ tôm…

Nhắc lại chuyện này, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Đức Thọ (lúc ấy là Bí thư Đảng ủy xã) không khỏi chạnh lòng và bảo đó là “bài học xương máu về công tác giám sát”. Bởi, chính ông cũng thừa nhận rằng mình cả nể, không quyết liệt xử lý khi mà tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ, rồi sang tay hồ nuôi tôm theo kiểu “thuê rẻ nhượng đắt” diễn ra công khai. Người dân bất bình phản ánh nhiều lần, nhưng lãnh đạo địa phương lại… lơ! “Thú thật là mình cũng khó xử lý vì việc này có sự góp mặt của nhiều cán bộ thôn, xã”, ông Thọ nói. Và, cái giá của sự cả nể ấy là tình hình an ninh chính trị địa phương bất ổn, dư luận bức xúc dẫn đến khiếu kiện khiếu nại kéo dài.

 Hơn 60ha nuôi tôm ngày nào giờ vẫn là bãi cát trắng hoang tàn, cằn cỗi.                                                                               Ảnh: MỸ HOA

Hơn 60ha nuôi tôm ngày nào giờ vẫn là bãi cát trắng hoang tàn, cằn cỗi. Ảnh: Mỹ Hoa

Khi UBND huyện Đức Phổ vào cuộc thì hoạt động nuôi tôm bị đình chỉ, BCH Đảng bộ xã Phổ Khánh và Bí thư Đảng ủy xã cũng bị kỷ luật với hình thức khiển trách vì thiếu tinh thần giám sát, còn Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch HĐND xã cùng một số cán bộ liên quan phải nhận mức kỷ luật cảnh cáo do buông lỏng trách nhiệm quản lý đất đai cũng như cho thuê đất vượt thẩm quyền cho phép.     

Nhưng có lẽ, mất mát lớn nhất từ vụ việc này chính là niềm tin trong dân đối với công tác quản lý đất đai bị giảm sút nghiêm trọng. Nói như ông Nguyễn Văn Chính ở thôn Quy Thiện thì, khi vụ việc bị vỡ lở, ông và người dân nơi đây thực sự chới với vì không ngờ rằng nhiều cán bộ thôn, xã lại sai phạm đến như thế. Ông Chính bảo rằng, chuyện sang tay hồ nuôi giữa lúc con tôm đang thời “hoàng kim” cũng chẳng có gì lạ. Bởi, thuê một ha đất nuôi tôm chỉ trả 2,5 triệu đồng/năm, nhưng khi “đổi chủ” sẽ được hàng trăm triệu đồng thì ai mà không thích!


đến quy hoạch trên… giấy!

Sau khi đất bị thu hồi, dù buồn nhưng người dân xã Phổ Khánh cũng hy vọng vì nghe đâu nó sẽ được chỉnh trang, quy hoạch để hoạt động sản xuất được ổn định và nền nếp hơn. Với suy nghĩ này, nhiều hộ không nỡ bán những vật tư, trang thiết bị đã theo họ gắn bó với con tôm. Họ mang về nhà cất giữ, đợi ngày đem ra sử dụng. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, hàng loạt máy bơm, cánh quạt rồi ống nhựa lần lượt hư hỏng, mục nát. Còn hồ tôm thì chẳng thấy đâu. Có chăng, cái mới của hơn 60 ha đất này là những cột mốc đánh dấu phần diện tích sẽ được dành cho con tôm trong tương lai. Còn thì nước nuôi tôm, ao xử lý nước thải, đường giao thông rộng 5 m được gia cố lề cấp phối sỏi đồi, hay hệ thống điện 22/0,4 KV với 3 trạm biến áp 3 pha để cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho khu nuôi trồng thủy sản hiện giờ vẫn còn nằm… trên giấy!

Lý giải thảm cảnh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Đức Thọ phân trần rằng, phần do đơn vị tư vấn thiết kế “ngâm” lâu, phần vì huyện chậm phê duyệt bản quy hoạch nên đến tận đầu năm 2013, khu nuôi trồng thủy sản trên cát với diện tích hơn 60 ha mới được xã khởi động bằng… lễ công bố quy hoạch! Nhưng sau cái lễ ấy, nó lại tiếp tục bất động! “Trong khi con tôm giảm sức hút vì dịch bệnh thì người dân lại suy kiệt tiềm lực lẫn niềm tin vì bị vụ việc cũ ám ảnh”, ông Thọ thẳng thắn chia sẻ.

Về phía UBND huyện Đức Phổ thì lại bảo, số đất trên chưa đưa vào khai thác là do lỗi của UBND xã Phổ Khánh! “Huyện chỉ cho chủ trương, còn xã chịu trách nhiệm lập quy hoạch”, ông Trần Em – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết. Cụ thể, dù đã được giao nhiệm vụ lập quy hoạch từ ngày 9.9.2011 nhưng mãi đến 15.11.2012, UBND xã Phổ Khánh mới có Tờ trình xin huyện thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đã thế, sau khi được UBND huyện Đức Phổ phê duyệt quy hoạch vào 28.12.2012 nhưng đến nay, UBND xã Phổ Khánh vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai việc đấu giá hay cho thuê đất.


Dân “sắm hàng hiệu, bán phế liệu”

Hơn 60 ha đất trên đã từng “cứu” nhiều người ở địa phương thoát cảnh đói nghèo cũng như nạn thất nghiệp, đơn cử như ông Nguyễn Đinh ở thôn Quy Thiện. Khi xã có chủ trương cho thuê đất, ông và các con mạnh dạn đăng ký hơn 2 ha, rồi hùn vốn đầu tư cho con tôm thẻ chân trắng. Những vụ đầu trúng lớn, ông Đinh phấn khởi sửa chữa lại căn nhà dột nát, đồng thời dốc vốn “làm ăn lớn” đầu tư trang thiết bị, máy móc xịn để cung cấp điện, nước cho tôm. Thậm chí ông vào tận TPHCM mua hẳn chiếc máy cày chỉ để lấy bộ máy, còn xác thì bỏ! Thế nhưng, cái máy ấy “chạy chưa kịp nóng” thì xảy ra chuyện thu hồi đất, khiến trang thiết bị phục vụ nuôi tôm trị giá cả trăm triệu đồng bỗng dưng trở thành… phế liệu.  

 Nhiều chủ hồ tôm lao đao vì trang thiết bị, máy móc giờ đã thành đống phế liệu.

Nhiều chủ hồ tôm lao đao vì trang thiết bị, máy móc giờ đã thành đống phế liệu.

Không riêng ông Đinh, mà tình cảnh trên cũng “vận” vào hàng trăm chủ hồ tôm ngày nào. Bởi khi thuê đất, ai cũng đinh ninh sẽ được làm ăn lâu dài nên không ngần ngại bỏ tiền kéo điện, rồi mua bạt, ống nhựa loại xịn, máy chạy nước công suất lớn. Thế nên, khi đất bị thu hồi, không ít hộ cũng lao đao vì bỗng dưng mất trắng hàng trăm triệu đồng. Suốt hơn 3 năm qua, đất quy hoạch nuôi trồng thủy sản bị “treo”  khiến người dân bất bình. Nguyên do là bởi, diện tích đất sản xuất của xã Phổ Khánh eo hẹp, ngành nghề làm thêm cũng chẳng nhiều nên để có cái ăn, họ phải ly hương hoặc đi thuê đất ở địa phương khác để nuôi tôm hay trồng dưa.

Trước tình cảnh này, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Đức Thọ cũng thở dài nuối tiếc và bảo “giá như”. Giá như 3 năm trước chính quyền địa phương quản lý việc thuê và sử dụng đất chặt chẽ hơn. Giá như tiến độ quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản thực hiện nhanh hơn. Và giá như, tình trạng “lấn chiếm rừng, sang tay hồ tôm” được xử lý rốt ráo hơn… thì có lẽ bây giờ, cả người dân và chính quyền không phải “dở khóc dở cười” như vậy. Thế nên, dù các ngành chức năng có biện minh rằng, “giai đoạn đất nghỉ là thời điểm tôm dịch nên thiệt hại cũng không nhiều”. Nhưng thực tế, hậu quả thu hồi đất rồi treo không chỉ tính bằng tiền mà còn là lòng tin của dân. Hiện giờ, dù UBND xã Phổ Khánh đã được huyện cho chủ trương tổ chức đấu giá (hoặc cho thuê) đất nhưng người dân lại e dè, không mạnh dạn đầu tư sản xuất, dù họ đã từng mòn mỏi chờ đợi động thái này từ 3 năm nay.

Mỹ Hoa

Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!