Nghiên cứu hải sản đáy cụ thể, chi tiết hơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 10/9/2013, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức cuộc họp, báo cáo về kết quả sơ bộ các chuyến điều tra nguồn lợi hải sản tầng đáy ở biển Việt Nam năm 2012 – 2013 do Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn chủ trì.

Theo đó, số lượng họ giống loài bắt gặp trong chuyến điều tra tương đối phong phú, với 814 loài thuộc 172 họ. Trong đó, nhóm cá với 715 loài, nhóm giáp xác có 61 loài, nhóm chân đầu 38 loài. Thành phần sản lượng đặc trưng cho từng vùng biển các họ chiếm ưu thế là: Họ cá khế, cá sơn phát sáng, cá mối. Trữ lượng nguồn lợi đánh bắt được bằng lưới kéo đáy ước đạt khoảng 884 ngàn tấn trong gió mùa Đông Bắc và 913 ngàn tấn trong gió mùa Tây Nam.

Trữ lượng nguồn lợi cá đáy ước tính khoảng 615 ngàn tấn ở gió mùa Đông Bắc và 699 ngàn tấn ở mùa gió Tây Nam. Trữ lượng nguồn giáp xác (tôm, cua, ghẹ) khoảng 36 ngàn tấn trong gió mùa Đông Bắc và 32 ngàn tấn trong gió mùa Tây Nam. Trữ lượng nguồn lợi động vật chân đầu (mực, tuộc) ước tính 61 ngàn tấn trong gió mùa Đông Bắc và 91 ngàn tấn trong gió mùa Tây Nam.

Một số địa phương có trữ lượng cá cao như: Cát Bà, khu vực miền Trung (từ Vinh đến Huế), Khu vực Đông Nam bộ (đảo Phú Quý), Tây Nam bộ với một số loài có trữ lượng cao như cá sơn, cá sáng. Trong khi đó, loài giáp xác (tôm) lại tập trung chủ yếu tại Bình Định, Phú Yên, Cà Mau. Mực ống tập trung tại vùng biển Đông Nam bộ. Ghẹ tập trung tại khu vực ven bờ tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cùng đưa ý kiến, Viện Nghiên cứu Hải sản cần có kết quả điều tra thêm hoặc báo cáo cuối cùng, đưa ra góp ý có giá trị khoa học và sản xuất, làm cơ sở cho nhà quản lý hoạch định chính sách rõ ràng hơn.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết: Dù còn hạn chế về phương pháp, kinh phí nhưng Tổng cục Thủy sản đánh giá cao nỗ lực và kết quả của Viện Nghiên cứu Hải sản trong năm qua, với số liệu phân tích có giá trị, đáng tin cậy. Đây là cơ sở xem xét việc phân bố loài hải sản đáy theo mùa ra sao, trữ lượng thay đổi theo mùa hay không, từ đó đưa ra con số khuyến cáo sản lượng khai thác. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Viện Nghiên cứu Hải sản cần tập trung phân tích số liệu đã có, để đánh giá nguồn lợi tổng thể, cường lực khai thác…

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!