Hội thảo Quốc tế xây dựng Hướng dẫn quản lý nghề lưới kéo đáy cho khu vực ASEAN

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ ngày 30/9 đến 4/10/2013, tại Phuket (Thái Lan), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (FAORAP) và Ủy ban Nghề cá Châu Á Thái Bình dương (APFIC) đã tổ chức Hội thảo xây dựng Hướng dẫn quản lý nghề lưới kéo đáy trong khu vực.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, đại diện của FAO, NOAA, Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) và các chuyên gia quản lý nghề cá đến từ Australia, Ấn Độ, Mianma, Philippin, Indonesia, Thái lan, Việt Nam, Papua Niuginni.

Hội thảo đã nghe các báo cáo về hiện trạng công tác quản lý nghề lưới kéo đáy ở các nước trong khu vực, kinh nghiệm quản lý nghề lưới kéo đáy của các nước đã thành công như Ôxtrâylia, Ma-lay-xia; chia sẻ kinh nghiệm, các khó khăn đối với quản lý nghề lưới kéo đáy của các nước trong khu vực như: Mi-an-ma, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xia, Thái lan, Việt Nam, Pa-pua Niu- gin-ni.

Đại diện APFIC, Ông Simon-Funge Smith nhấn mạnh việc khai thác quá mức nguồn lợi hải sản và ảnh hưởng môi trường sinh thái biển trong khu vực cũng như các khó khăn về áp lực sinh kế (có trên 80.000 lưới kéo đáy hoạt động). Trong vài thập kỷ qua, cùng với sự gia tăng sản lượng và cường lực khai thác, mâu thuẫn giữa nghề lưới kéo đáy với các nghề khác ngày càng gia tăng, nhiều mâu thuẫn gay gắt đã xảy ra. Có nhiều cách tiếp cận và biện pháp quản lý nghề lưới kéo đáy được đưa ra và áp dụng ở nhiều quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

Đối với khu vực, một số khó khăn trong quản lý nghề lưới kéo đáy như: dư thừa năng lực khai thác, áp lực khai thác lên nguồn lợi và môi trường sinh thái cao, nhận thức của ngư dân thấp, thiếu nguồn lực để thực hiện và duy trì công tác Theo dõi, Giám sát và Kiểm soát (MCS), mâu thuẫn gia tăng giữa các nghề khai thác, khai thác ngoài vùng quy định của các tàu lưới kéo xa bờ,  kích thước mắt lưới ở đụt lưới nhỏ, khai thác các loài có nguy cơ, đang bị đe dọa và loài cần được bảo vệ, đánh bắt quá nhiều các loài cá có giá trị thấp và cá con (cá non) của các loài có giá trị kinh tế cao, phá hủy nghiêm trọng các bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên (bãi cá con)…

Trong 5 ngày, Hội thảo đã trao đổi, thảo luận sôi nổi và thông qua một số khuyến nghị cơ bản liên quan đến nội dung trong Hướng dẫn quản lý nghề lưới kéo đáy, bao gồm:

– Công tác Theo dõi, Kiểm soát và Giám sát (MCS):

· Cần đánh dấu tất cả các tàu làm nghề lưới kéo đáy theo vùng hoạt động

· Tăng cường công tác MCS, bao gồm cả việc sử dụng hệ thống theo dõi tàu cá bằng vệ tinh (VMS) đối với các tàu cá cỡ lớn;

· Thúc đẩy, khuyến khích các kế hoạch tự nguyện theo dõi, báo cáo và tích hợp vào hệ thống MCS hiện tại

– Thiết kế, cải tiến ngư cụ:

· Quy định về các thông số kỹ thuật đối với lưới kéo, sử dụng các chất liệu nhẹ (nguyên vật liệu làm lưới, dây giềng chì, phao…) để giảm tác động của lưới đối với môi trường

· Quy định với kích thước tối thiểu ở đụt lưới nhỏ nhất là 40mm, khuyến khích sử dụng kích thước mắt lưới lớn hơn

· Thúc đẩy thiết kế lưới có tính chọn lọc tốt hơn đối với đụt lưới

· Xây dựng và thực hiện thiết kế ngư cụ bao gồm các thiết bị thoát rùa, thoát cá con và sản phẩm khai thác không mong muốn khác

· Khuyến khích giảm thời gian kéo lưới, mỗi mẻ nên có thời gian khoảng 2 giờ nhằm nâng cao chất lượng cá khai thác được

 – Khuyến nghị về không gian/thời gian và môi trường thủy sinh:

·  Áp dụng quy định cấm khai thác vùng nước ven bờ tối thiểu là 3 hải lý tính từ bờ (một số quốc gia có vùng cấm lưới kéo từ bờ ra khoảng 8-10 hải lý);

· Cấm lưới kéo hoạt động ở các khu vực quan trọng như bãi cỏ biển, rạn san hô, khu vực bãi cá con hoặc ở vùng nước có độ sâu dưới 10 m

· Áp dụng cấm khai thác theo mùa vụ ít nhất 1 – 3 tháng cho tất cả các nghề lưới kéo trong thời gian cá sinh sản và cá con nhiều nhất

 – Năng lực khai thác:

· Duy trì số lượng tàu lưới kéo ở mức hiện tại.

· Với những nơi có nghề lưới kéo quá mức năng lực khai thác, số lượng tàu làm nghề lưới kéo sẽ giảm khoảng 30% vào năm 2025

· Hạn chế cường lực khai thác chuyển sang vùng khác hoặc ngư cụ khác

· Duy trì công suất đội tàu và chiều dài giềng phao lưới ở mức hiện tại để ngăn chặn sự gia tăng cường lực (và giảm cường lực ở những vùng quá mức năng lực khai thác)

· Ngừng hoặc đổi mới việc sử dụng trợ cấp cho nghề cá (đặc biệt là trợ cấp dầu) cho nghề lưới kéo đáy

 – Tiến trình:

         Các quốc gia có nghề lưới kéo trọng điểm sẽ:

· Thiết lập Ủy ban để thực hiện các quy định này

· Khởi xướng việc xây dựng bản thảo kế hoạch quản lý nghề lưới kéo trọng điểm như một phương tiện cho việc tăng cường năng lực

· Xây dựng quy trình tham vấn và có sự tham gia của ngư dân, các bên tham gia liên quan ở tất cả các bước trong quy trình kể trên

Nguyễn Bá Thông

tongcucthuysan.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!