Ngày 15/10, tại TP Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Hòa Bình tổ chức Diễn đàn @ Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển nuôi cá lồng bền vững”. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình chủ trì.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh miền Bắc có tiềm năng diện tích có thể phát triển nuôi thủy sản lồng bè rất lớn trên 200.000 ha diện tích mặt nước, nhưng hiện nay mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng diện tích mặt nước của sông và hồ chứa (tổng diện tích lồng nuôi ước khoảng 300.530 m3, số lượng gần 5.000 lồng, với năng suất đạt hơn 2.000 tấn/năm. Các tỉnh có sản lượng lớn như: Hải Dương 500 tấn/năm, Hòa Bình 200 tấn/năm, Yên Bái 200 tấn/năm, Phú Thọ 81,7 tấn/năm… Các đối tượng nuôi lồng chủ yếu là cá truyền thống như: trắm cỏ, chép, rô phi và một vài đối tượng có giá trị kinh tế như: cá tầm, cá lăng, cá nheo… nhưng không đáng kể, năng suất còn thấp, quy mô nhỏ lẻ, thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng diện tích mặt nước sông và hồ chứa địa phương.
Người dân phần lớn chưa được hướng dẫn, thăm quan học tập, tư vấn về kỹ thuật thiết kế lồng nuôi mới. Các lồng nuôi chủ yếu sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như gỗ, tre, nứa. Do công tác chăm sóc quản lý, bảo vệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trình độ kỹ thuật và công nghệ nuôi ở các vùng miền cũng chênh lệch rất lớn. Khu vực Đồng bằng sông Hồng trong 5 năm trở lại đây từ năm 2008 đến 2013 phong trào nuôi cá lồng phát triển rất mạnh với các đối tượng cá nuôi chính là: rô phi, điêu hồng, chép V1, lăng và nheo. Năng suất đạt từ 5 – 7 tấn cá/lồng (108 m3) tại một số hộ nuôi trên sông Kinh Thầy (Hải Dương), sông Đuống (Bắc Ninh)…
Bên cạnh đó, khu vực Trung du miền núi phía Bắc người dân phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ thuật cá lồng bè còn nhiều hạn chế, vật liệu làm lồng chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có (tre, nứa…) không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật. Người nuôi cá truyền thống vẫn theo hình thức thả cá, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh… nên sản lượng cá nuôi năng suất chưa cao. Trung bình các đối tượng nuôi lồng đạt năng suất 7 kg/m3.
Từ năm 2013 – 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa” tại các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lào Cai.
Tham dự diễn đàn, với 300 đại biểu, Ban Tổ chức nhận được 44 câu hỏi về các nội dung: kỹ thuật nuôi cá lồng, các bệnh thường gặp, cách chữa trị; những chính sách để phát triển cá lồng… được Ban Cố vấn giải đáp cụ thể. Bên cạnh đó, các đại biểu còn được đi tham quan một số mô hình nuôi cá lồng tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình.
Kết luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần có nhiều báo cáo tham gia diễn đàn hơn nữa, đặc biệt của người nuôi thủy sản thành công và chưa thành công… góp phần cho diễn đàn phong phú và hoàn thiện hơn, mang tính chia sẻ thực tế nhiều hơn.
Toàn cảnh hội nghị
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình