Năm 2011, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tuyên bố đã chủ động được 40 – 60% nguyên liệu, thậm chí theo VASEP thì một số doanh nghiệp chế biến lớn lo được tới 60 – 70% nguyên liệu, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cảnh báo đó là “bước lùi”.
Sang năm 2012, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho rằng có “chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến, hầu hết đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu được 60 – 70% công suất chế biến”, Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhận xét, đó là hoạt động “tự cung tự cấp” lạc hậu.
Tự cung tự cấp, khép kín lo từ vùng nuôi đến chế biến xuất khẩu là phản ứng của các doanh nghiệp sau cuộc khủng hoảng thừa cá tra năm 2008, nhà máy chế biến mọc lên khắp nơi và người ta muốn thoát ra khỏi mối liên kết với người nuôi quá nhiều rủi ro. Đó là phản ứng dễ hiểu, co mình lại trước thị trường khi chưa làm chủ được.
Nhưng sẽ là khó hiểu nếu quản lý ngành lại kéo dài khuyến khích sự co mình ấy. Một ngành kinh tế không thể phát triển bình thường nếu từng thành viên cứ co rụt lại, thiếu tin tưởng nhau. Một ngành kinh tế không thể mang lại giá trị gia tăng cao khi không thiết lập được chuỗi sản phẩm, các thành viên đầu rư “rải mành mành”, thiếu công nghệ quản lý hiện đại.
Một doanh nghiệp đầu tư từ A đến Z, khởi đầu có vẻ lớn mạnh nhưng thật ra đang yếu đi. Hiệu quả kinh tế chỉ song hành với đầu tư chiều sâu chứ không phải với đầu tư chiều rộng. Hơn thế, đầu tư chiều rộng lại triển khai mang tính đối phó, gấp gáp, khi quản trị chưa theo kịp phát triển cho tương xứng thì đầu tư từ A đến Z càng dễ gây thất thoát từ A đến Z, dễ làm tiêu tan các nguồn lực.
Có doanh nghiệp xây dựng 3 nhà máy chế biến; sau đó, trong thời gian ngắn mở ra 12 khu vực nuôi cá tra (tự xây dựng hoặc mua lại của nông dân). Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam hỏi, ai lo việc nuôi cá. Vị giám đốc trả lời: “Tôi, vì tôi biết nuôi cá”. “Vậy ai lo chế biến xuất khẩu?”. Vị giám đốc lúng túng: “Có quy trình quản lý”. Nhưng quy trình quản lý hiện đại, công nghệ quản lý hiện đại liên quan đến tổ chức bộ máy, đến nhiều con người không thể phát triển nhanh theo ý muốn được. Thực tế, doanh nghiệp ấy bị thất thoát lớn, rơi vào khủng hoảng nợ nần suốt hai năm nay.
Vốn đầu tư và cả doanh số xuất khẩu dù lớn cũng chưa đủ khẳng định doanh nghiệp mạnh, mà phải là hiệu quả kinh tế ổn định. Hiệu quả kinh tế ổn định lại phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng quản trị, công nghệ quản lý. Ứng dụng linh hoạt các giải pháp công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý để không ngừng nâng cao hiệu quả đồng vốn, chất lượng sản phẩm và cả nguồn lực con người.
Nếu công nghệ quản lý trong doanh nghiệp chưa thật sự hiện đại thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa tốt, dù có nhiều nhà máy, vùng nuôi. Tập hợp các doanh nghiệp như thế chưa làm nên ngành cá tra hiện đại, dù xuất khẩu sản lượng lớn.