Thành công mô hình nuôi cá tầm tại Lai Châu

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 3/12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã tổ chức Hội thảo báo cáo “Kết quả mô hình nuôi cá tầm” tại Công ty CP Thủy điện Chu Va (Lai Châu).

Mô hình nuôi cá tầm áp dụng kỹ thuật và quản lý phù hợp nhằm bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả kinh tế được triển khai trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ theo Nghị định thư “Nghiên cứu xây dựng luận cứ phục vụ đề xuất định hướng quy hoạch phát triển nuôi cá hồi và cá tầm bền vững tại Việt Nam” giữa Nga và Việt Nam. Đơn vị thực hiện là Công ty CP Thủy điện Chu Va tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, trong thời gian từ tháng 6/2011 đến 6/2013, với tổng kinh phí 491 triệu đồng. Với chỉ tiêu: ương cá tầm giống cỡ nhỏ (10cm) thành cá giống cỡ lớn 20 – 25cm, tỷ lệ sống 75%, quy mô 30.000 – 35.000 con/năm, nuôi thương phẩm với sản lượng 15 – 18 tấn/năm, cỡ cá 2 con/kg, tỷ lệ sống 90%.

Ông Vũ Văn Cảnh, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Chu Va cho biết, bắt đầu triển khai thực hiện, Công ty đã mở rộng bể ương, xây dựng thêm 2.500m2 bể xi măng, nhập 85.000 cá tầm Siberi (Acipenser baerii) giống. Trong quá trình nuôi đảm bảo tuân thủ không sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất; cán bộ trại nuôi được chuyên gia Nga hướng dẫn về kỹ thuật và công nghệ nuôi…

Đầu tư con giống của mô hình chiếm 25% tổng chi phí – Ảnh: Quốc Minh

Kết quả, tổng doanh thu năm 2013 ước đạt 3,4 tỷ đồng cao hơn năm 2012 khoảng 18%, sản lượng 18 tấn (2012) và 20 tấn (2013). Chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ lớn 46 – 50%, con giống là 25% còn lại là các chi phí khác. Mô hình được đánh giá là đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn sinh thái thủy vực, bảo vệ môi trường, cá tầm thương phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thành công của mô hình bước đầu mở ra hướng đi hiệu quả cho việc phát triển nuôi cá nước lạnh một trong những lĩnh vực mới tại Việt Nam. Do đó, cần lựa chọn và gây dựng đàn cá bố mẹ, đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ thuật chuyên môn cao, hướng dẫn kỹ thuật ương, ấp trứng…

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản nhận định: mô hình nuôi cá tầm áp dụng kỹ thuật quản lý phù hợp nhằm bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả kinh tế của Công ty CP Thủy điện Chu Va đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về việc lựa chọn đối tượng nuôi, vùng nuôi, và điều kiện nuôi phù hợp, giúp cho việc quy hoạch cá nước lạnh hiệu quả hơn; Đồng thời, các chỉ tiêu về kinh tế và môi trường đều đạt, đây là mô hình có nhiều triển vọng nhằm tận dụng và phát huy tiềm năng và thế mạnh phát triển cá nước lạnh tại Việt Nam.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!