Sáng 18/12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả nhiệm vụ hợp tác quốc tế về Khoa học Công nghệ theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Liên bang Nga về “Nghiên cứu xây dựng luận cứ phục vụ đề xuất định hướng quy hoạch phát triển nuôi cá hồi và cá tầm bền vững tại Việt Nam”.
Nghiên cứu do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản chủ trì, thực hiện từ tháng 1/2011 đến 12/2013 với mục tiêu cung cấp các luận cứ về an toàn sinh thái, môi trường và hiệu quả kinh tế – xã hội làm căn cứ khoa học cho việc quy hoạch phát triển nuôi cá hồi, cá tầm bền vững ở Việt Nam. Theo đó, hỗ trợ các nhà khoa học tiếp thu phương pháp đánh giá tác động đến an toàn sinh thái thủy vực, kinh nghiệm của Liên bang Nga vào việc quy hoạch phát triển nuôi cá hồi, cá tầm bền vững tại Việt Nam; Đề xuất mô hình ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào việc sản xuất cá tầm, cá hồi có hiệu quả và bền vững… Với 6 nội dung được triển khai, bao gồm: Tổng quan đánh giá kinh nghiệm phát triển nuôi cá hồi, cá tầm ở Liên bang Nga và đề xuất bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Hoàn thiện tài liệu và tập huấn về phương pháp/công cụ đánh giá tác động đến an toàn sinh thái thủy vực; Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá hồi ứng dụng công nghệ tiên tiến và quản lý phù hợp nhằm bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả kinh tế; Khảo sát, đánh giá nhu cầu quy hoạch phát triển nuôi cá tầm, cá hồi ở Việt Nam; Phương pháp tính toán hiệu quả kinh tế và lựa chọn giống cá tầm; Đề xuất định hướng quy hoạch phát triển nuôi cá tầm, cá hồi tại Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng nuôi cá nước lạnh – Ảnh: Kim Sơn
Ông Nguyễn Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản, Chủ nhiệm nghiên cứu đã trình bày bản báo cáo về kết quả đạt được của nghiên cứu, theo đó, đã lựa chọn 9 loài và nhóm con lai đưa vào Việt Nam để phục vụ phát triển nuôi trồng lâu dài theo các hình thức, nuôi thương phẩm lấy thịt, lấy trứng làm caviar, sản xuất giống nhân tạo…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản nhận định, nghiên cứu là cơ sở khoa học cho vấn đề quy hoạch nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng khu vực trọng điểm cho các vùng ưu tiên về điều kiện thuận lợi cho cá nước lạnh (sản xuất giống, nuôi thương phẩm, trứng), giá trị kinh tế, hình thức nuôi phù hợp nhằm phát huy được tiềm năng và thế mạnh về phát triển cá nước lạnh của Việt Nam.